Thứ 6, 22/11/2024, 00:51[GMT+7]

Kiến Xương: Nỗ lực phát triển các cụm công nghiệp

Thứ 3, 23/01/2024 | 08:52:15
9,064 lượt xem
Những năm qua, huyện Kiến Xương luôn xác định phát triển các cụm công nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Logitex (cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương).

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Có lẽ chưa bao giờ công tác GPMB lại được triển khai quyết liệt trên địa bàn huyện Kiến Xương như thời gian qua. Lần đầu tiên chỉ trong chưa đầy 4 tháng huyện đã hoàn thành công tác GPMB để bàn giao hơn 40ha đất cụm công nghiệp (CCN) Bình Minh cho nhà đầu tư thực hiện giai đoạn I. 

Ông Hoàng Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện cho biết: CCN Bình Minh có tổng diện tích 70ha được thực hiện thành 2 giai đoạn và đã được UBND huyện Kiến Xương phê duyệt quy hoạch chi tiết từ tháng 3/2023. Sau khi nhà đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật, CCN sẽ sẵn sàng tiếp nhận các dự án thứ cấp vào thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, đã có 5 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký vào CCN. Cũng tương tự, đối với CCN Trung Nê, xác định đây là CCN có quy mô, triển vọng lớn, sau khi hình thành và đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nên huyện đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Cùng với các biện pháp tuyên truyền, vận động, Kiến Xương đã 2 lần thực hiện cưỡng chế thu hồi đất ở xã Quang Trung và thị trấn Kiến Xương để có quỹ đất bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra. Đến nay, nhà đầu tư đã được giao 11,4/25ha để thực hiện giai đoạn I, phần diện tích còn lại Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục xin giao đất cho nhà đầu tư. Nhờ đó, CCN này đã tiếp nhận được 2 dự án FDI với tổng giá trị 529,2 tỷ đồng của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản sản xuất trong lĩnh vực hàng thể thao đăng ký đầu tư. Phần còn lại nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng thu hút tiếp nhận các dự án mới. Không chỉ ở 2 CCN này mà ở cả 7 CCN hiện đang được Trung tâm phối hợp cùng với các địa phương đều tích cực triển khai các bước theo quy trình về GPMB, đồng thời phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận.

Hơn 10.000 lao động có việc làm ổn định trong các cụm công nghiệp ở Kiến Xương.
Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Long Hành Thiên Hạ (cụm công nghiệp Vũ Quý).

Nỗ lực thu hút đầu tư

Việc GPMB trước thời hạn và đúng tiến độ, tạo quỹ đất sạch cũng là cơ sở để các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. 

Cùng với đó, huyện Kiến Xương thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành, các chủ đầu tư hạ tầng CCN tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế phát triển công nghiệp của huyện để mời gọi các nhà đầu tư vào địa bàn. Kết quả đến nay toàn huyện đã có 7 CCN với tổng diện tích quy hoạch là 412,8ha, trong đó có 3 CCN đang hoạt động thu hút được 16 dự án đầu tư tạo việc làm ổn định cho trên 10.000 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

Điển hình như ở CCN Vũ Ninh với diện tích 40,67ha, hiện nay đã lấp đầy 31,38ha, đã thu hút được 8 doanh nghiệp thuê đất sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổn định như nhà máy 5 thuộc Công ty Tân Đệ đã thu hút 3.108 lao động với mức lương ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, đóng 100% bảo hiểm cho người lao động; Công ty TNHH Logitex chuyên về sản xuất sợi và sản xuất mặt hàng bông với sản lượng khoảng 500 tấn/tháng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với dự kiến doanh thu hàng năm đạt 300 tỷ đồng/năm. Hiện tại, Công ty đang tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Để CCN này tiếp tục mở rộng lên 74ha, huyện Kiến Xương đang phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng hoàn thiện hồ sơ thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng làm cơ sở thực hiện đầu tư hạ tầng sẵn sàng thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất, kinh doanh. 

Tại CCN Vũ Quý, với gần 10ha phần hiện trạng do huyện quản lý đã thu hút được 4 doanh nghiệp thuê đất đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Về phần mở rộng hơn 60ha, hiện nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng đang phối hợp với UBND huyện, đơn vị tư vấn thẩm định quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để thực hiện các bước thủ tục về đất đai, GPMB.

Công ty Tân Đệ (cụm công nghiệp Vũ Ninh) tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.

Giải pháp thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp

Theo ông Hoàng Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện Kiến Xương: Điểm nổi bật nhất trong những năm qua là Kiến Xương đã hình thành thêm mới nhiều CCN và mở rộng các CCN cũ, đồng thời đã thu hút được 7/7 nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng các CCN. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là ở một số CCN có phần hiện trạng trước đây do huyện quản lý vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, trong những năm qua hầu như các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do dịch bệnh và các đơn hàng bị cắt giảm, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc bị sụt giảm nghiêm trọng về đơn hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm và thu nhập của người lao động. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển các CCN, Trung tâm sẽ tham mưu cho huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác GPMB, tích cực tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế quyết định thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các CCN để phù hợp với tình hình địa phương và bảo đảm tính khả thi khi triển khai; tiếp tục triển khai thực hiện việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là cải cách hành chính, tiếp cận đất đai để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào CCN. Cùng với đó, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN, chú trọng xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp chế tạo máy cơ giới nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu linh kiện điện tử, phụ kiện ngành may, khuyến khích thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả.

Nhờ sự phát triển của các CCN đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp ở Kiến Xương hàng năm đạt trên 4.000 tỷ đồng. Trong tương lai khi các CCN hình thành và đi vào hoạt động sẽ thu hút thêm hàng chục nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho công nghiệp Kiến Xương phát triển bền vững.

Thu Thủy