Chủ nhật, 24/11/2024, 11:15[GMT+7]

Lễ hội chùa Keo: Không gian văn hóa đặc sắc đầu xuân

Thứ 6, 16/02/2024 | 14:40:01
13,537 lượt xem
Là một trong những lễ hội lớn, được tổ chức vào dịp đầu xuân, lễ hội chùa Keo mùa xuân (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) diễn ra từ ngày 4 - 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Đa dạng hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội đã mang lại nhiều trải nghiệm ấn tượng cho du khách khi về dâng hương tế lễ, du xuân.

Bảo lưu nét đẹp văn hóa cổ truyền

Đã thành định lệ, mở màn cho lễ hội chùa Keo mùa xuân là lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh năm nào cũng được diễn ra trang trọng với sự tham gia của người dân làng Keo từ các bậc cao niên đến các cháu thiếu niên. Đây như sự tiếp nối của văn hóa truyền thống dưới mái chùa cổ kính gần 400 năm tuổi. Trong không khí linh thiêng, các đại biểu và nhân dân địa phương, du khách thập phương thực hiện nghi lễ truyền thống dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công đức của Thiền sư Dương Không Lộ, cầu mong cho một năm mới vạn sự tốt lành, hanh thông.

Ngay sau lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh, các hoạt động phần hội đã diễn ra đa dạng, sôi nổi như trống hội, du thuyền hát hội, chạy giải, kéo lửa thổi cơm thi... Năm nào cũng vậy, các giáp trong làng Keo cử ra 4 đội, mỗi đội gồm 8 thành viên tham gia chạy giải, kéo lửa thổi cơm thi. Trong số này, 2 người có sức khỏe, nhanh nhẹn và sức bền tốt nhất tham gia thi chạy giải. Sau khi các thành viên chạy đủ 3 vòng hồ và lấy về chum nước đầy nhất, phần thi chạy giải kết thúc. Lúc này, ban tổ chức chọn ra đội thắng cuộc ở phần thi chạy giải, cả 4 đội thi mới bắt đầu kéo lửa thổi cơm thi. Tinh thần đoàn kết, sự phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn trong từng công đoạn là tiêu chí tiên quyết giúp các thành viên có thể hoàn thành phần thi của đội mình.

Là một trong những thành viên dày dạn kinh nghiệm tham gia hội thi truyền thống trong lễ hội chùa Keo mùa xuân, anh Đặng Văn Chính, đội Dũng Nhuệ chia sẻ: Đã 7 năm tôi tham gia kéo lửa nấu cơm thi nhưng năm nào cũng cảm thấy rất hào hứng, cảm thấy công việc này của làng như sự khởi đầu cho năm mới nhiều may mắn, hanh thông và tốt lành. Để chuẩn bị cho hội thi, những anh em trong đội đã bỏ nhiều công sức, từ việc tìm mồi kéo lửa, lựa chọn gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh đều là sản vật của làng đến việc cẩn trọng trong nặn đất đắp đầu rau phơi khô để khi đun nấu không bị nổ. Trong các công đoạn từ kéo lửa đến nấu cơm, xôi, chè thì công đoạn nấu chè làm sao rền, sánh, trong là khó nhất vì các đội thi nấu bếp thủ công nên rất nhiều bụi. Trong khi đó, món chè nếu nấu có bụi vào là không đạt kết quả.

Cầu kỳ, cẩn trọng trong từng khâu chuẩn bị, sôi nổi, nhiệt huyết trong từng công đoạn chạy giải, kéo lửa thổi cơm thi, đội Dũng Nhuệ xuất sắc đạt giải nhất. Ông Vũ Đình Nguyên, một trong những bậc cao niên của làng Keo, thành viên của đội chia sẻ: Đội của chúng tôi kéo lửa được giải nhất, thổi cơm thi được giải nhất. Hai giải nhất mới được bưng mâm cơm vào cúng Thánh. Tôi mong muốn mọi sự may mắn sẽ đến với dân làng và tất cả du khách tham gia lễ hội. Người dân làng Keo chúng tôi cố gắng phát huy văn hóa cổ truyền, mỗi kỳ lễ hội lại được quây quần bên nhau.

Ngoài mâm cơm đạt giải nhất được dâng lên lễ Thánh, các mâm cơm đạt giải nhì, ba cũng được lựa chọn dâng lễ. Đây không chỉ là niềm vui của làng Keo trong ngày đầu xuân mà còn là sự hứng khởi chung của du khách khi cổ vũ cho hội thi. Bà Nguyễn Thị Hòa, một du khách chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ vào mùng 4 tết tôi đều phấn khởi, hồ hởi về dự lễ hội, mong muốn niềm hạnh phúc, an khang, thịnh vượng đến với tất cả muôn nhà. Rất mong lễ hội ngày càng phát triển, mọi người dân đều có ý thức giữ gìn bản sắc quê hương mình.

Ngoài hội thi chạy giải, kéo lửa nấu cơm thi, năm nay lễ hội chùa Keo mùa xuân phục dựng nghi lễ múa rối hầu Thánh vào chiều ngày mùng 5. Ông Đỗ Ngọc Trung, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Đây là nghi lễ tâm linh cổ tại lễ hội chùa Keo. Ban tổ chức lễ hội đã nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu lịch sử và từng bước phục hồi nghi lễ này bởi đây là nghi lễ rất đặc sắc ở Thái Bình nói chung, chùa Keo nói riêng.

Du khách đến với lễ hội chùa Keo trong ngày đầu năm mới.

Khích lệ tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa

Là một trong những hoạt động phần hội được mở rộng tại lễ hội chùa Keo mùa xuân năm nay, chương trình khai bút đầu xuân thu hút hàng trăm học sinh, các ông đồ, bà đồ cũng như du khách thập phương tham gia. Về ý nghĩa chương trình này, bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư chia sẻ: Khai bút đầu xuân là việc làm thiết thực thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Chương trình được tổ chức nhằm tỏ lòng thành kính của hậu thế với các bậc tiền nhân, đề cao sự học, trọng trí tuệ của người Việt.

Tại chương trình, 34 học sinh đạt thành tích xuất sắc tại các cuộc thi cấp tỉnh đã được biểu dương, khen thưởng. Em Trịnh Anh Thư, Trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư cho biết: Năm nào cũng được cùng bố mẹ đi lễ hội chùa Keo mùa xuân nhưng năm nay con cảm thấy rất tự hào khi được khen thưởng về thành tích học tập của mình tại chương trình khai bút đầu xuân. Con sẽ chăm học hơn nữa, cố gắng đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.

Cô giáo Phạm Thị Huyền Diệu, Trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư thông tin: Trường tôi vinh dự có 3 học sinh được tuyên dương trong chương trình khai bút đầu xuân. Trực tiếp giảng dạy cho các em, tôi thấy rất vui và tự hào, tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng để có thêm nhiều học sinh góp mặt tại ngày hội đầu xuân này hơn nữa. Việc được tham gia chương trình khai bút, xin chữ thư pháp, nhận những lời động viên, quan tâm và phần quà của các bác lãnh đạo huyện trong ngày đầu năm mới là sự khích lệ lớn lao, là động lực để các em học sinh vươn lên, chinh phục đỉnh cao tri thức.

Du thuyền hát hội tại lễ hội chùa Keo mùa xuân.

Lễ hội chùa Keo mùa xuân năm nay với đa dạng hoạt động phần lễ và phần hội đã mang đến niềm vui, niềm hy vọng cho mỗi người trong ngày đầu năm mới. Đó không chỉ là niềm tin vào việc tiếp nối truyền thống mà còn giúp mỗi người trẻ hôm nay thêm yêu, thêm tự hào và mong muốn được góp sức nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

Tú Anh