Thứ 7, 21/12/2024, 23:49[GMT+7]

Hội Nông dân huyện Kiến Xương: Nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên

Thứ 2, 19/02/2024 | 22:41:20
9,311 lượt xem
Cùng với chú trọng xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Hội Nông dân huyện Kiến Xương còn quan tâm hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống.

Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi của ông Phan Tiến Hùng, xã Vũ Bình (Kiến Xương).

Tại xã Vũ Bình, để thu hút hội viên, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, Hội Nông dân xã đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương. 5 năm qua, Hội đã tổ chức 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với hơn 500 lượt hội viên tham gia. Trong năm, Hội đã cung ứng hơn 10 tấn phân bón cho hội viên theo hình thức trả chậm. Đồng thời, Hội điều hành 3 tổ vay vốn và quỹ hỗ trợ nông dân cho hơn 200 hộ vay hơn 10 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được vay, nhiều hội viên đã tổ chức sản xuất hiệu quả như mô hình nuôi cá trên ao bán nổi, nuôi cá lồng trên sông của ông Phan Tiến Hùng, ông Nguyễn Văn Phương thu lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Còn tại xã Nam Bình, Hội Nông dân xã tập trung tuyên truyền, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2023, Hội phối hợp với các đơn vị mở 6 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 650 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; thực hiện ủy thác cho vay từ các ngân hàng, quỹ hỗ trợ nông dân cho hơn 340 hội viên vay hơn 15 tỷ đồng. Nhiều hội viên mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Năm 2023 có hơn 840 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 73% tổng số hội viên nông dân đăng ký; 1.431 hộ nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Xương khẳng định: Ngay từ đầu năm 2023, các cấp hội đã phát động sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội đã chỉ đạo vận động, hướng dẫn nông dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Từ đó đã có nhiều hội viên mạnh dạn tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc để làm các khâu dịch vụ sản xuất vừa đáp ứng yêu cầu mùa vụ vừa từng bước thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thành lập các mô hình kinh tế tập thể, trong đó tập trung vào các nhóm hộ tham gia sản xuất cùng một mặt hàng và vay vốn thông qua tổ chức hội như liên kết nuôi ba ba ở xã An Bình, liên kết cấy cùng giống lúa có bao tiêu sản phẩm ở các xã Quang Lịch, Bình Định, Vũ Hòa. 

Đặc biệt, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện liên kết sản xuất hàng hóa theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Năm 2023, toàn huyện có hơn 2.500ha thực hiện liên kết, tăng 115,6ha so với năm 2022, trong đó liên kết sản xuất lúa 2.396,2ha, liên kết sản xuất cây màu 126,4ha. Bên cạnh đó, các cấp hội còn vận động hội viên giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đã có 465 hộ nghèo được các chi hội đăng ký giúp đỡ bằng nhiều hình thức, đồng thời vận động hội viên giúp nhau giống, vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình. 

Ngoài ra, các cấp hội phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao bằng các công trình, phần việc thiết thực, cụ thể như hiến đất, góp tiền, ngày công lao động duy tu, bảo dưỡng, xây dựng các công trình ở địa phương. Kết quả, đến nay toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Mô hình nuôi ba ba của ông Đoàn Văn Lượng, thôn Trung Kiên, xã Nam Bình. 

Thu Thủy