Thứ 4, 15/01/2025, 14:21[GMT+7]

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất: Đột phá phát triển then chốt của tỉnh

Thứ 6, 08/03/2024 | 08:27:26
6,635 lượt xem
Phát triển khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố quan trọng, giải pháp mang tính quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ: Việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng KHCN tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất là 1 trong 3 đột phá phát triển then chốt của tỉnh.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây khoai tây tại xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ).

Chú trọng nguồn lực khoa học công nghệ

Mấy năm gần đây, nguồn nhân lực KHCN của tỉnh tăng nhanh về số lượng, chất lượng, năng động, sáng tạo trong nghiên cứu, lao động, sản xuất. Nhân lực KHCN có trình độ từ cao đẳng trở lên gần 168.000 người, chiếm gần 9% dân số toàn tỉnh. Nhân lực trình độ cao có 24 giáo sư, phó giáo sư, 127 tiến sĩ, gần 2.000 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II. Hàng năm có hàng trăm đề tài, dự án KHCN, giải pháp sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm do đội ngũ trí thức nghiên cứu, thực hiện được ứng dụng vào thực tế công tác, sản xuất và đời sống.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để phục vụ công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN, Thái Bình đã đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị. Toàn tỉnh hiện có 30 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý và sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực: hóa, lý, sinh học, giống cây trồng, vệ sinh dịch tễ, dược phẩm, môi trường, điện, cơ học, xây dựng, đo lường, hiệu chuẩn..., tập trung chủ yếu trong các tổ chức KHCN và 7 phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia VILAS, 6 phòng thử nghiệm đạt chuẩn LAS. Tiêu biểu trong lĩnh vực y - dược, Thái Bình có 2 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 15189 cùng nhiều thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, khám chữa bệnh như labo y sinh học phân tử, X-quang tăng sáng truyền hình, máy chụp cắt lớp vi tính, máy điện não đồ 64 kênh, thiết bị mổ nội soi ổ bụng và sản khoa, máy mổ phaco lạnh... Đồng thời, đầu tư hoàn thiện quy trình chẩn đoán, phẫu thuật, truyền hóa chất và xạ trị điều trị một số bệnh ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên được hỗ trợ, phổ biến thông tin về các hội chợ công nghệ, thiết bị, hội nghị kết nối cung cầu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, kết nối tham gia khi doanh nghiệp có nhu cầu. Sở Khoa học và Công nghệ còn thường xuyên phối hợp tổ chức giúp các doanh nghiệp tham gia tập huấn, phổ biến kiến thức về KHCN, các thông tin về thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học của các viện, trường, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trên các lĩnh vực  

Xác định KHCN là chủ đề xuyên suốt trong Quy hoạch tỉnh, cần được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực, công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh được triển khai ở các lĩnh vực, phục vụ các định hướng trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào ứng dụng, nhân rộng, phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị như măng tây xanh, bí đá trái dài, dưa lê Kim Bạch, dưa lê Cẩm Châu... Đặc biệt, một số công nghệ, kỹ thuật mới mang lại hiệu quả cao, tạo ra hướng đi, triển vọng mới cho sản xuất, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ tia UV (Ultra Violet - tia cực tím) xử lý vi sinh vật gây bệnh có trong nguồn nước và dụng cụ bảo hộ tại các trang trại chăn nuôi lợn là một ví dụ. Tiến sĩ Phạm Hồng Trang, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Mô hình xử lý vi sinh vật gây bệnh có trong nguồn nước bằng tia UV do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện tại 2 trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu nước sau khi xử lý bằng đèn UV đều không phát hiện ra các vi khuẩn gây bệnh về đường tiêu hóa trên đàn lợn. Các mẫu dụng cụ bảo hộ được xử lý qua tủ UV trong 5 phút cũng không phát hiện các vi khuẩn gây bệnh. Tỷ lệ lợn mắc bệnh tiêu chảy giảm từ khoảng 50% xuống còn khoảng 0,99 - 1,65%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và xây dựng nông thôn mới.

Trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, KHCN cũng được quan tâm. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh như sử dụng năng lượng sóng có tần số radio trong điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp nút động mạch hóa chất dưới máy số hóa xóa nền (DSA)... Các nhiệm vụ KHCN được ưu tiên thực hiện với các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm; chẩn đoán sớm và điều trị có hiệu quả các bệnh thời đại như ung thư, tim mạch, rối loạn chuyển hóa... Hiện tại, 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip.

Để khoa học công nghệ là 1 trong 3 đột phá phát triển then chốt của tỉnh

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song năng lực KHCN của tỉnh còn nhiều hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho KHCN chưa nhiều dẫn tới hiệu quả của đề tài, dự án, mô hình chưa thực sự mang tính đột phá, thúc đẩy sự phát triển như kỳ vọng. Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KHCN còn thiếu đồng bộ, linh hoạt dẫn tới doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy mạnh phát triển ứng dụng KHCN tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến vào sản xuất là 1 trong 3 đột phá phát triển then chốt của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã khẳng định KHCN là 1 trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Đây là nhiệm vụ quan trọng, mang lại cơ hội lớn cho hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục những khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ trên, tỉnh sẽ tiến hành cơ cấu lại các nhiệm vụ KHCN. Chủ trương này được cụ thể hóa trong đề án “Phát triển KHCN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, định hướng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe của người dân đạt trên 60% nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các chương trình lớn như chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia...

Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Bám sát phương hướng về KHCN trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới, ngành KHCN tham mưu tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Lựa chọn những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm để tập trung nguồn lực và khuyến khích, ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KHCN để nhanh chóng đem lại kết quả cụ thể, thiết thực, tạo ra những giá trị mới. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Nâng cao năng lực thử nghiệm, kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng của các phòng thí nghiệm và các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Chủ động tìm kiếm công nghệ mới, hợp tác chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, trọng dụng, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ KHCN chất lượng cao; nâng cao năng lực các tổ chức KHCN theo hướng tiên tiến, hiện đại; liên kết chặt chẽ giữa các trường, viện, tổ chức với các doanh nghiệp. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN trong các ngành, lĩnh vực như công nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số, công nghệ vật liệu mới, y, dược... theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Đẩy mạnh thành lập các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tiếp thu, làm chủ và cải tiến công nghệ mới. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KHCN. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa KHCN trở thành động lực chính tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó là những giải pháp phát triển KHCN, góp phần thực hiện mục tiêu Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra: Đến năm 2030, Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.

Mô hình khảo nghiệm các giống cỏ voi, ngô sinh khối tại xã Đoan Hùng (Hưng Hà).

Thu Hoài