Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước diễn biến mới
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại tại các tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Quảng Bình, Bình Thuận, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hòa Bình… Số ca tử vong do bệnh dại đã cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh tử vong do bệnh dại, qua kết quả phân tích 82 trường hợp tử vong do bệnh dại trên cả nước năm 2023 cho thấy, 81/82 trường hợp tử vong đều không tiêm vắc-xin điều trị dự phòng sau khi bị chó cắn; có 1 trường hợp tiêm vắc-xin nhưng không tiêm huyết thanh kháng dại. Việc không tiêm vắc-xin điều trị dại do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chủ quan cho rằng chó nhà cắn, thời điểm cắn chó bình thường; không có hiểu biết về bệnh dại hoặc dùng thuốc nam, đông y điều trị…
Từ đầu năm đến nay, Thái Bình chưa ghi nhận trường hợp mắc, tử vong do bệnh dại. Song, trước sự gia tăng số ca mắc, tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh, thành phố, để chủ động trong công tác giám sát, dự phòng, duy trì kết quả phòng, chống bệnh dại, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị y tế trong và ngoài công lập về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì công tác giám sát, phát hiện sự lưu hành mầm bệnh dại trên đàn vật nuôi, xử lý triệt để ổ dịch dại, nghi dại ngay khi phát hiện không để lây lan sang người; nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng dại trên đàn chó mèo… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục cập nhật, theo dõi, giám sát chặt diễn biến tình hình dịch bệnh dại trên người và động vật trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận để tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả; dự trù và bảo đảm khả năng cung ứng vắc-xin, huyết thanh kháng dại. Các cơ sở khám chữa bệnh điều tra dịch tễ, thực hiện tư vấn, hướng dẫn người bị động vật cắn về việc phơi nhiễm virus dại để tiêm vắc-xin, huyết thanh kịp thời, đầy đủ…
Mới đây, ngày 16/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiếp nhận trường hợp đa chấn thương do bị chó nhà cắn. Bệnh nhân là ông Đ.H.C, xã Lê Lợi (Kiến Xương). Chỉ với hành động dậm chân, quát chó, ông Đ.H.C đã bị chó của gia đình tấn công, cắn vào hai chân và tay. Hậu quả, ông Đ.H.C bị đa chấn thương phải nhập viện điều trị. Ngay sau đó, ông Đ.H.C đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng uốn ván.
Ông Đ.H.C chia sẻ: Nhiều năm nuôi chó, tôi không ngờ lại bị chính chó của gia đình cắn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi bị chó cắn. Dù chó của gia đình đã tiêm vắc-xin phòng dại năm ngoái nhưng tôi vẫn rất lo. Không thể chủ quan, ngay sau khi bị chó cắn, tôi đã đến cơ sở y tế để điều trị, tránh để sau này bị bệnh lại “giá như”. Hiện tôi đã nhốt chó lại để theo dõi.
Cũng trong sáng ngày 16/3, bà G.T.N, xã Hòa An (Thái Thụy) đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm huyết thanh phòng dại do bị chó nhà cắn. Bà G.T.N cho biết: Chó của nhà còn nhỏ, được khoảng 5kg, tôi cũng mới mua về. Chó bị quấn xích nên tôi lôi và gỡ ra, không may bị cắn. Vết thương tuy không nặng nhưng tôi vẫn chủ động đi tiêm cho đỡ lo.
Tại Thái Bình, theo thống kê số người bị chó, mèo cắn đến xử trí, điều trị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ năm 2023 đến ngày 16/3/2024 là 1.015 trường hợp, trong đó gần 330 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại. Cũng trong thời gian trên, số liều vắc-xin dại được Trung tâm sử dụng tiêm là hơn 3.060 liều.
Truyền thông phòng, chống bệnh dại tại cơ sở y tế.
Bác sĩ Trần Thị Gấm, Phó Trưởng khoa Khám bệnh và Điều trị dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn với tình trạng chấn thương khác nhau, có trường hợp bị những vết cắn phức tạp gây đa chấn thương ở đầu, mặt, cổ, lưng, ngực, tay, chân… Ngoài ra, cũng có ít trường hợp đến tiêm vắc-xin, huyết thanh trong tình trạng muộn do sự chủ quan nghĩ rằng chó còn sống, không bị bệnh hoặc sợ tác dụng phụ của vắc-xin. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã thông tin gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 5 - 10 ngày). Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân sau khi bị chó, mèo cào cắn cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng