Thứ 6, 22/11/2024, 22:11[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Thứ 7, 06/04/2024 | 22:14:07
17,773 lượt xem
Năm 2020, Quỳnh Phụ triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau hơn 4 năm, toàn huyện có 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Quyết tâm đưa sản phẩm vươn xa, huyện chỉ đạo các địa phương nỗ lực giữ vững thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bánh đa Quỳnh Côi, xã Đông Hải là 1 trong 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Quỳnh Phụ.

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm

Bánh đa Quỳnh Côi, thôn Dụ Đại, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) là một trong những sản phẩm đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2020. Đây là sản phẩm truyền thống của làng nghề có hàng chục năm tuổi, vì vậy việc nâng cao chất lượng sản phẩm luôn được các hộ gia đình chú trọng. 

Anh Hoàng Phó Nam, chủ cơ sở sản xuất bánh đa Quỳnh Côi chia sẻ: Bánh đa là sản phẩm được dùng thường xuyên trong các bữa ăn của gia đình, nhu cầu sử dụng cao nên từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chúng tôi yêu cầu rất kỹ. Gạo để làm bánh phải lấy từ địa chỉ có uy tín, không có tạp chất, không bị ẩm mốc; quy trình sản xuất phải an toàn, sạch sẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc sẽ là cơ hội để cơ sở cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng hơn. Hiện tại, trung bình mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn bánh, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. 

Với cơ sở sản xuất rượu Lừng Hồng, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) do anh Nguyễn Đức Lừng làm chủ, năm 2023 cơ sở này có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là rượu nếp cái hoa vàng và rượu nếp men lá, hiện nay sản phẩm từng bước khẳng định được uy tín với khách hàng. 

Anh Lừng tâm sự: Rượu là hàng hóa tiêu thụ đặc biệt, liên quan trực tiếp sức khỏe con người nên để có được giọt rượu ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn và quy trình kiểm soát chặt chẽ: gạo phải có nhà cung cấp theo tiêu chuẩn gạo sạch, men chỉ lấy tại một nơi sản xuất, khi nấu chỉ lấy một loại gạo, một loại men có thương hiệu để không ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở. Hiện mỗi tháng gia đình tôi bán ra trên 4.000 lít rượu phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ khi thành lập, sản phẩm đã xuất bán ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bước đầu đã tạo được uy tín với khách hàng.

Cơ sở sản xuất rượu Lừng Hồng, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) luôn quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững thương hiệu. 

Để sản phẩm OCOP vươn xa

Huyện Quỳnh Phụ hiện có 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 18 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Theo quy định, sau 3 năm công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, nếu sản phẩm nào không bảo đảm sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đạt sao. Có thể thấy, chương trình mỗi xã một sản phẩm tuy mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân khu vực nông thôn song nếu không giữ vững được chất lượng nguy cơ các sản phẩm OCOP bị thu hồi chứng nhận rất cao. Vì vậy, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể, chính quyền địa phương, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần linh hoạt, có giải pháp cụ thể và chiến lược phát triển sản phẩm OCOP lâu dài. 

Theo anh Hoàng Phó Nam, chủ cơ sở bánh đa Quỳnh Côi: Hiện nay, các sản phẩm luôn có sự cạnh tranh, hướng lợi ích tốt nhất đến người tiêu dùng, muốn sản phẩm vươn xa, được nhiều người biết đến chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Mấy năm gần đây, cơ sở chúng tôi đầu tư 1,8 tỷ đồng mua máy tráng công suất lớn, nồi hơi, máy thái, xây dựng nhà xưởng khép kín; giờ sản phẩm có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc nên được mọi người rất tin dùng. 

Với cơ sở sản xuất rượu của anh Nguyễn Đức Lừng, việc tập trung quảng bá sản phẩm thời gian qua được anh chú trọng. Anh Lừng cho biết: Cơ sở sản xuất rượu của gia đình mới hoạt động được hơn 2 năm nên việc mở rộng được thị trường là rất quan trọng. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn quan tâm thiết kế mẫu mã bao bì và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trưng bày tại các hội chợ, các điểm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh... Từ đó, chúng tôi mong muốn các sản phẩm của gia đình sẽ ngày càng phát triển và đứng vững trên thị trường. 

Ông Đỗ Tiến Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Để các sản phẩm duy trì và phát triển, thời gian qua huyện Quỳnh Phụ cùng các địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng chủ thể; đồng thời xây dựng kế hoạch nhằm định hướng phát triển sản phẩm OCOP bền vững, trong đó tăng cường vai trò và sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP, có chính sách hỗ trợ kịp thời. Thời gian tới, huyện cũng như chính quyền địa phương sẽ sát cánh cùng các chủ thể trao đổi và xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, xác định những chỉ tiêu còn có thể nâng điểm, nâng hạng và thực hiện các biện pháp, hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ cho từng chủ thể cải thiện từng tiêu chí, bảo đảm nâng hạng các sản phẩm, quyết tâm nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. 

Nguyễn Cường