Giá trứng gia cầm giảm sâu và lời giải cho bài toán “được mùa, mất giá”
Gồng mình gánh lỗ
Trang trại nuôi gà của nông dân Ngô Văn Cao, xã Tây Phong (Tiền Hải) đang nuôi gần 47.000 gà trắng, gà đỏ, mỗi ngày xuất bán gần 42.000 quả trứng gà. Nhưng hiện nay giá trứng chỉ từ 1.000 - 1.200 đồng/quả khiến gia đình phải bù lỗ từ 5 - 7 triệu đồng/ngày.
Anh Cao chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ dịp đầu năm mới giá trứng gà sẽ giảm nhưng chỉ qua tháng Giêng sẽ dần bình ổn và tăng trở lại. Nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, do suy thoái kinh tế, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina kéo dài khiến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng, phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm khiến thị trường trứng cung cấp cho các bếp ăn tập thể cũng bị cắt giảm theo. Nhiều hộ dân buộc lòng đưa trứng ra bán tại các chợ dân sinh, đồng thời phải hạ giá bán mới mong tiêu thụ được sản phẩm. Chăn nuôi khác với trồng rau, mỗi lứa gà đẻ cho thu trứng trong thời gian dài, do đó chúng tôi phải chấp nhận lúc lãi, lúc lỗ. Thời điểm giá trứng xuống thấp như hiện nay chúng tôi chỉ có thể chịu lỗ chờ giá lên chứ không thể giảm đàn hay cắt giảm thức ăn được.
Cũng trong tình trạng khó khăn, nông dân Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) hiện cũng đang phải giảm số lượng đàn gà để hạn chế thấp nhất việc bù lỗ. Ông cho biết: Hiện tôi đang nuôi hơn 11.000 gà đẻ, mỗi ngày xuất ra thị trường từ 6.000 - 7.000 quả trứng gà. Từ đầu năm 2024 đến nay, thương lái đi thu mua ít hẳn bởi giá trứng giảm, không chỉ người chăn nuôi phải gồng mình bù lỗ mà thương lái cũng phải chung cảnh ngộ nhưng không biết kêu ai. Tôi mong các cơ quan, tổ chức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Anh Trần Văn Pha, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) chia sẻ: Gia đình tôi trước kia cũng nuôi gà đẻ trứng để xuất bán cho các doanh nghiệp. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát tác động đến nền kinh tế, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, nhân công phải cắt giảm khiến sức tiêu thụ trứng cũng giảm. Do hiệu quả kinh tế không cao, tôi phải chuyển hướng sang nuôi giống gà lương phượng cho chất lượng thịt, trứng thơm ngon để duy trì chăn nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay giá trứng gà bán tại chuồng đang dao động ở mức 1.000 - 1.200 đồng/quả, khi đến tay người tiêu dùng thì mức giá này từ 2.200 - 2.500 đồng/quả và người chăn nuôi phải bán được với mức giá bình quân 1.800 đồng/quả tại chuồng thì mới có lãi.
Chị Đỗ Thị Khuyên, quận Kiến An (Hải Phòng) là người chuyên thu mua trứng gà trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng tỏ ra lo lắng khi giá trứng giảm mạnh. Chị cho biết: Hiện tại giá thu mua trứng tại chuồng khá rẻ, thay đổi theo từng ngày cũng khiến việc thu mua của chúng tôi gặp khó khăn. Có những ngày tôi lỗ khoảng 10 triệu đồng do giá trứng giảm mạnh.
Câu chuyện liên kết trong sản xuất
Trong khi các chủ trại nuôi gà gồng mình gánh lỗ vì giá trứng giảm thì HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (Tiền Hải) với sản phẩm trứng vịt biển Đông Xuyên vẫn bán với giá ổn định, không đủ cung ứng cho khách hàng.
Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay giá trứng vịt thường bán ở ngoài thị trường từ 2.400 - 2.500 đồng/quả nhưng với sản phẩm trứng vịt biển Đông Xuyên đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao giá bán từ 6.500 - 8.000 đồng/quả. Để giữ được mức giá đó, hàng năm HTX phải thực hiện tốt công tác dự báo tình hình thị trường, nhất là dịp sau tết Nguyên đán; xây dựng kế hoạch tái đàn phù hợp cho các hộ thành viên; bảo đảm duy trì giá thuốc, thức ăn chăn nuôi phải chăng để các thành viên yên tâm sản xuất. Ngoài ra, việc duy trì chất lượng sản phẩm cũng đóng vai trò then chốt trong xâm nhập thị trường, nhất là đưa trứng vào tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn.
Ông Ngô Văn Duẩn luôn chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trứng vịt biển Đông Xuyên nên giá thành xuất bán ổn định.
Cùng quan điểm với ông Duẩn, ông Nguyễn Văn Thoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi và sản xuất gia cầm giống Thoa Tuyết, xã Thụy Việt (Thái Thụy) chia sẻ: Tổ hợp tác hiện có 16 thành viên ở 16 xã trên địa bàn huyện, liên kết sản xuất với tổng đàn gà nuôi hơn 6 vạn con. Mỗi ngày gia đình tôi nhập của các thành viên từ 4.000 - 5.000 quả trứng gà để ấp nở với mức giá 3.000 - 3.500 đồng/quả. Mặc dù phải bù lỗ nhưng tôi vẫn phải nhập vì đã cam kết giá trứng ngay từ đầu và để duy trì hoạt động của các thành viên. Ngoài 5.000 quả trứng nhập mỗi ngày thì số lượng trứng còn lại của các hộ nuôi sẽ để ấp trứng làm giống phục vụ tái đàn. Theo kinh nghiệm nuôi gà của tôi thì cứ chu kỳ 3 - 4 năm giá trứng gà sẽ giảm sâu một lần, nhất là vào dịp đầu năm mới. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường cung - cầu mất cân bằng, người dân sản xuất theo hướng tự phát, không có sự liên kết, bị thương lái ép giá.
Từ mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Tổ hợp tác Thoa Tuyết và HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, có thể thấy nếu người nông dân duy trì liên kết sản xuất bền vững thì không chỉ riêng mặt hàng trứng gà sẽ không bị ép giá mà tất cả các sản phẩm nông nghiệp của nông dân sẽ duy trì ổn định giá thành, nông dân sẽ làm chủ mức giá chứ không phải thương lái. Ngoài ra, việc dự báo tình hình, nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất cho từng vụ chăn nuôi cũng hết sức quan trọng, đòi hỏi người chăn nuôi phải liên kết chặt chẽ, thông tin kịp thời, tránh thiệt hại như việc giá trứng gà xuống thấp như hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm cũng như chưa thể truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm trứng gà, trứng vịt đạt chứng nhận OCOP chưa nhiều. Người chăn nuôi vẫn giữ quan niệm sản xuất “có khi này khi khác”, phụ thuộc vào thị trường, chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, ít quan tâm đến việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm mình làm ra nên luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Thực trạng giá giá trứng gà giảm mạnh sau tết Nguyên đán không phải là câu chuyện mới mà gần như năm nào cũng vậy. Song việc tìm kiếm đầu ra ổn định vẫn là bài toán khó đối với nông dân hiện nay. Thực trạng này cho thấy đã đến lúc người chăn nuôi nói chung, người chăn nuôi gia cầm nói riêng cần quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để giảm chi phí đầu vào cũng như giảm thiểu tác động bấp bênh từ thị trường.
Để hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá” trong sản xuất, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung các giải pháp phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và xử lý tốt môi trường; chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giúp hội viên nắm bắt được quy luật sản xuất theo cơ chế thị trường, từ đó sản xuất bảo đảm nguồn cung - cầu luôn cân đối, giá thành sản xuất có lãi. Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và giao chỉ tiêu cho hội nông dân các huyện, thành phố thành lập mới 80 tổ hợp tác và 8 HTX kiểu mới trên địa bàn toàn tỉnh để hội viên cùng nhau sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các HTX kiểu mới sẽ quy tụ các hội viên sản xuất chung một sản phẩm để họ có thể liên kết với nhau trong xây dựng kế hoạch sản xuất, giúp nhau về vốn, giống, kỹ thuật, góp phần bảo đảm tốt nhu cầu của thị trường, hạn chế thấp nhất tình trạng “được mùa, mất giá”.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng của nông dân Nguyễn Văn Thoa đem lại hiệu quả bền vững.
Tiến Đạt - Nguyễn Triệu
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam