Thứ 6, 03/05/2024, 16:27[GMT+7]

Sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả khử khuẩn tại bệnh viện

Thứ 3, 09/04/2024 | 08:40:38
2,976 lượt xem
Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò rất quan trọng trong hoạt động tại các bệnh viện. Trước nhu cầu thực tế của đơn vị, bác sĩ Đỗ Xuân Hạnh, dược sĩ Vũ Thị Thu Hương và cử nhân Phạm Hồng Thái, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình đã cải tiến hệ thống đèn chiếu tia cực tím tự động nhằm tăng hiệu quả khử khuẩn và an toàn khi sử dụng tại bệnh viện. Với nhiều ưu việt, tính ứng dụng thực tế cao, giải pháp đã đạt giải ba tại hội thi sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ X, năm 2022 - 2023.

Các tác giả cải tiến hệ thống đèn chiếu tia cực tím tự động.

Dược sĩ Vũ Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình chia sẻ: Là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, mỗi năm Bệnh viện Phụ sản Thái Bình đón tiếp hàng chục nghìn bệnh nhân, trong đó thực hiện hàng trăm lượt xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vi sinh và hàng nghìn ca phẫu thuật các loại... Do đó, vệ sinh khử khuẩn môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn vô cùng quan trọng. Với mong muốn thực hiện tốt công tác khử khuẩn, tiêu diệt, ngăn chặn sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, giúp môi trường bệnh viện an toàn, sạch sẽ, phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn, giảm số ngày điều trị, tăng sự hài lòng cho người bệnh, các thành viên trong nhóm đã bắt tay vào cải tiến hệ thống đèn tia cực tím tự động. So với đèn cực tím sử dụng tại Bệnh viện trước kia, đèn cực tím được cải tiến có nhiều ưu việt hơn.

Hệ thống đèn cũ được sử dụng trước đây tại Bệnh viện có nhiều nhược điểm như: chiếm nhiều diện tích, khung sắt nặng gây khó khăn khi di chuyển; các góc của đèn sắc nhọn dễ gây thương tích cho người sử dụng; đèn chiếu được diện tích nhỏ, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, khi chiếu đèn phải căn chỉnh thời gian do không có hệ thống cảm biến. Khắc phục những nhược điểm trên, nhóm tác giả đã bổ sung thêm các bánh xe tạo thuận lợi khi di chuyển; lắp đồng hồ hẹn giờ theo thời gian khử khuẩn và cảm biến chuyển động tắt mở, khi có chuyển động đến gần đèn sẽ tự tắt...

Để đạt hiệu quả cao, nhóm tác giả đã tìm hiểu, khảo sát thực tế các đèn tia cực tím tại một số bệnh viện. Sau khoảng 3 tháng cải tiến, đèn chiếu tia cực tím mới đã hoàn thành với nhiều tính năng ưu việt, giá thành phù hợp, hiệu quả và tính ứng dụng thực tế cao, có thể sử dụng ở nhiều cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh. Chia sẻ về cấu tạo của đèn, nhóm tác giả cho biết: Đèn được cấu tạo gồm các bộ phận như: 4 bóng đèn khử khuẩn tia UV, hệ thống khung inox dây điện cung cấp nguồn điện 220V, công tác nguồn và đèn báo máy hoạt động, hộp điều khiển công tắc hẹn giờ, cảm biến chuyển động... Chi phí lắp đặt 1 chiếc đèn là hơn 2,2 triệu đồng bao gồm cả công thợ. Đèn mới có số lượng bóng nhiều hơn nên thời gian khử khuẩn trong cùng một diện tích phòng sẽ nhanh hơn, hiệu quả khử khuẩn cao hơn. Tia cực tím có tác dụng rất mạnh trên nucleoprotein của vi khuẩn, có khả năng khiến vi khuẩn bị bất hoạt song cũng có những tác hại đối với sức khỏe con người, khi tiếp xúc lâu có thể gây hại cho mắt và da. Với cải tiến của đèn, người sử dụng sẽ an toàn hơn do khi đến gần đèn sẽ tự tắt, nhân viên y tế không phải tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím. Vì thế, đèn sẽ không gây hại cho mắt, da như các đèn Bệnh viện sử dụng trước. Ngoài ra, do dễ di chuyển nên đèn có thể sử dụng khử khuẩn ở nhiều khu vực như: phòng mổ, phòng thủ thuật, phòng đẻ...

Dược sĩ Vũ Thị Thu Hương chia sẻ thêm: Hiện đèn chiếu tia cực tím được sử dụng ở tất cả các khoa, phòng của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, giúp tiết kiệm nhân lực, thời gian khử khuẩn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhiễm khuẩn bệnh viện, tạo môi trường an toàn, xanh, sạch, đẹp. Trong quá trình sử dụng nếu còn nhược điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến để đạt hiệu quả cao hơn. Thời gian tới, nhóm tác giả dự định sẽ làm giá để mở, đóng hộp khăn vô khuẩn.

Hệ thống đèn chiếu tia cực tím tự động được đặt để khử khuẩn trong phòng mổ của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày