Thứ 3, 03/12/2024, 05:52[GMT+7]

Đầu năm đi lễ chùa Keo

Chủ nhật, 18/02/2018 | 15:25:20
4,833 lượt xem
Mặc dù ngày 4 tháng giêng (Âm lịch) mới là lễ hội Xuân, nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, chùa Keo đã đón hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương trong, ngoài nước đến lễ phật cầu may.

Du khách thắp hương lễ phật cầu may tại chùa Keo.

Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự (thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) là di tích quốc gia đặc biệt gồm chùa là nơi thờ Phật và đền thánh thờ đức Dương Không Lộ, vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa. Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa riêng biệt còn lưu giữ, năm 2012 chùa Keo đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017, "Lễ hội chùa Keo" được Bộ VH - TT &  DL trao bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại chùa Keo, mỗi năm tổ chức hai mùa lễ hội. Hội xuân được mở vào ngày mùng 4 tháng giêng (Âm lịch)  và hội thu được mở vào các ngày 13, 14, 15/9 (Âm lịch) và là hội chính.

Tháp chuông chùa Keo, một kiến trúc độc đáo, đặc sắc.

Ngoài đi lễ phật, du khách (đặc biệt là các bạn trẻ) còn xin chữ ông đồ cầu mong một năm công việc, học hành... được hanh thông, công thành danh toại, thi cử đỗ đạt...

Mặc dù đã bị cấm và được tuyên truyền nhắc nhở nhưng những hành động phản cảm như nhét tiền vào tay tượng phật, thả tiền xuống giếng... vẫn còn diễn ra.

Trò chơi "đạp vịt" trên hồ và khu vui chơi dành cho trẻ em vẫn còn tình trạng mở loa ồn ào... làm giảm bớt "tính thiêng" của quần thể chùa Keo.

Tuy không còn tình trạng người ăn xin xin tiền du khách nhưng vẫn còn những "ông đồng, bà cốt" có mặt ở khuôn viên chùa chèo kéo du khách, hành nghề bói toán, mê tín dị đoan.

Khánh Linh - Đức Thiện (CTV)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày