Thứ 2, 06/05/2024, 21:06[GMT+7]

Thái Bình: Hướng tới trung tâm y tế chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ 6, 12/04/2024 | 08:43:36
4,240 lượt xem
Xây dựng, phát triển mạng lưới cơ sở y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa khám chữa bệnh (KCB) với y tế dự phòng; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, hướng tới đưa Thái Bình trở thành trung tâm y tế chất lượng cao trong vùng đồng bằng sông Hồng... là phương hướng Thái Bình đặt ra nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều này đã được chỉ rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bệnh viện Nhi Thái Bình đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có

Thái Bình tự hào có 2 trường đào tạo y khoa với bề dày truyền thống xây dựng và phát triển. Với số lượng đào tạo mỗi năm không chỉ đáp ứng nguồn nhân lực y tế cho tỉnh mà còn cho nhiều tỉnh, thành phố trong nước, thậm chí cả một số nước lân cận. So với bình quân chung của cả nước, Thái Bình có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cao hơn với 13,5 bác sĩ/vạn dân. Không chỉ bảo đảm về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế cũng được chú trọng. Đội ngũ y tế từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Qua thống kê của ngành y tế cuối năm 2023, toàn ngành có hơn 7.540 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có hơn 1.730 bác sĩ, gần 230 dược sĩ đại học; tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học đạt 38,5%. Với nguồn nhân lực hiện có, công tác y tế trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Bên cạnh đó, từ sự quan tâm của trung ương, tỉnh, hệ thống y tế của Thái Bình ngày càng được củng cố, phát triển. Ngoài 21 bệnh viện công lập, Thái Bình còn có 9 bệnh viện tư nhân, 2 bệnh viện đa khoa trực thuộc trường, các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh, 8 trung tâm y tế huyện, thành phố và 260 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Song song với việc đầu tư, Thái Bình đã tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các đơn vị y tế. Nhờ đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ở y tế tuyến tỉnh phải kể đến công trình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Đây là công trình có tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng, tổng diện tích 15.000m2, được trang bị hệ thống kỹ thuật hiện đại như: phòng áp lực âm tiêu chuẩn kỹ thuật phòng an toàn sinh học cấp III; phòng sạch khoa vi sinh đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phòng sạch ISO Class 5... Ở tuyến huyện, nhiều công trình y tế đã được tu bổ, xây dựng, tạo diện mạo mới cho các đơn vị như: Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải, Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, Trung tâm Y tế huyện Tiền Hải... Với nguồn nhân lực sẵn có, cơ sở vật chất, trang thiết bị thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu đã được các bệnh viện triển khai, qua đó đã kịp thời cứu sống các ca bệnh nguy kịch.

Sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự nỗ lực của các đơn vị đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, y tế Thái Bình đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tăng thêm niềm tin của người bệnh. Nhờ đó, tình hình sức khỏe của người dân Thái Bình được cải thiện rõ rệt; quy mô dân số ổn định, chất lượng dân số ngày càng được nâng lên, tuổi thọ bình quân đạt 75,4 tuổi, cao hơn bình quân chung của cả nước, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt dưới 0,7%... Các chương trình y tế, phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm; HIV/AIDS, an toàn thực phẩm, dân số được triển khai thực hiện tốt. Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước kiện toàn mạng lưới làm công tác dân số và là điểm sáng trong công tác y tế dự phòng. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án, chương trình, trong đó có nhiều tổ chức quốc tế lựa chọn để triển khai các mô hình, hoạt động. Năm 2023, tỉnh đã trình Chính phủ, các bộ, ngành ủng hộ, tạo điều kiện thúc đẩy việc bổ sung quy hoạch, phê duyệt chủ trương thành lập khu công nghiệp dược - sinh học tại huyện Quỳnh Phụ.

Các tiềm năng, lợi thế sẵn có đã tạo tiền đề để ngành y tế Thái Bình phát triển. Tuy nhiên, để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn hiện nay và nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân đòi hỏi ngành y tế cần vào cuộc tích cực hơn nữa, phát huy tốt hơn những tiềm năng, lợi thế; biến khó khăn thành hành động, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân.

Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải đầu tư hệ thống xét nghiệm hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Nâng tầm y tế trong khu vực

Trong Quy hoạch tỉnh, lĩnh vực y tế đề ra phương hướng xây dựng, phát triển mạng lưới cơ sở y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa KCB với lĩnh vực y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khuyến khích thu hút đầu tư xã hội hóa phát triển các cơ sở KCB theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có đạo đức nghề nghiệp tốt, có năng lực chuyên môn cao; hệ thống y tế chất lượng, đồng bộ, hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, hướng tới đưa Thái Bình trở thành trung tâm y tế chất lượng cao trong vùng đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu của tỉnh là tăng số giường bệnh/vạn dân đạt trên 40 giường.

Những mục tiêu, phương hướng trên sẽ là tiền đề để y tế Thái Bình tạo sự bứt phá, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện các mục tiêu, phương hướng đề ra, ngành y tế cũng đã có các giải pháp với những lộ trình cụ thể. 

Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành y tế xác định định hướng phát triển ngành phải phù hợp, đồng bộ với quy hoạch lĩnh vực y tế của Việt Nam và quy hoạch của tỉnh để đạt hiệu quả cao nhất; phát triển hệ thống KCB phải đồng bộ với hệ thống dự phòng; lấy hệ thống y tế công lập làm trụ cột chính, phát huy xã hội hóa, tăng cường y tế tư nhân với mục tiêu tăng tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập. Cùng với hệ thống y tế công lập, sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống y tế tư nhân, huy động các nguồn lực xã hội tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng tỷ lệ giường bệnh, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập đạt 15% trên tổng số giường bệnh của tỉnh. Với hệ thống KCB, ở tuyến tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại trung tâm y tế chất lượng cao; nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các bệnh viện chuyên khoa hiện có và sẽ thành lập mới Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Ung bướu, Đột quỵ... Ở tuyến huyện, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng các bệnh viện, nâng hạng các bệnh viện đang là hạng III lên hạng II; nâng cấp các trung tâm y tế, thực hiện sắp xếp mô hình, chuyển về UBND huyện, thành phố quản lý. Thực hiện phương châm xây dựng các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cộng đồng, ngành sẽ đề xuất trạm y tế quản lý theo tỷ lệ dân số, cơ cấu cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thay vì theo địa giới hành chính như hiện nay. Đối với hệ thống dự phòng, ngành y tế đã được quan tâm đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực của Trung tâm để đạt quy chuẩn chất lượng cao; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng đáp ứng yêu cầu sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở.

Những mục tiêu, phương hướng đặt ra trong quy hoạch tỉnh đã mở ra chiến lược, là cơ sở pháp lý cũng như động lực để ngành y tế phát triển, hướng tới đích đến cao hơn và phù hợp với tình hình mới. Điều này thể hiện kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của y tế Thái Bình trong những giai đoạn tiếp theo.

Người bệnh điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình.


Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày