Thứ 5, 02/05/2024, 20:18[GMT+7]

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh sẽ chạy 160 - 200 km/h

Thứ 6, 12/04/2024 | 09:37:21
2,835 lượt xem
Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đang lấy ý kiến về quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, do liên danh tư vấn trong nước lập.

Giai đoạn 1, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh sẽ được xây dựng đường đơn khổ 1.435 mm và mở rộng đường đôi vào giai đoạn 2.

Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến báo cáo giữa kỳ quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuyến đường chưa đạt tiêu chuẩn tốc độ cao là 200 km/h, tuy nhiên tốc độ tàu khách dự kiến 160 - 200 km/h, tàu hàng 80 - 120 km/h.

Đơn vị tư vấn cho biết, hiện hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc, tốc độ thiết kế 80 - 120 km/giờ, thời gian di chuyển của ô tô khách khoảng 6 giờ.

Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh trong vận chuyển hành khách, thời gian di chuyển của tuyến đường sắt mới sẽ phải rút ngắn so với đường bộ, mục tiêu còn 4 - 5 giờ.

Tuyến đường dài hơn 441 km được quy hoạch đến 2030 và tầm nhìn đến 2050, có điểm đầu kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) tại Lào Cai, đi theo hướng đông qua Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và kết thúc tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Đường được xây mới, tách riêng tuyến hiện hành Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, có đường nhánh đến cảng Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện để phục vụ vận chuyển hàng hóa.

Trong giai đoạn 1, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh sẽ được xây dựng đường đơn khổ 1.435 mm và mở rộng đường đôi vào giai đoạn 2.

Trên tuyến có 56 cầu lớn với tổng chiều dài 47,5 km đi qua các sông Hồng, Lô, Bạch Đằng và vượt qua cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh, qua các quốc lộ và một số tỉnh lộ, có 11 hầm.

Đơn vị tư vấn quy hoạch 41 ga trên tuyến, trong đó 10 ga phục vụ cả hành khách và hàng hóa gồm Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Tam Hợp, Bắc Hồng, Đông Anh, Lạc Đạo, Hải Dương, còn lại chỉ dành cho tàu hàng hoặc tàu khách. 5 ga bố trí tại cảng biển Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.

Tuyến đường sắt mới sẽ kết nối các tuyến khác như đoạn Lào Cai nối với đường sắt Trung Quốc, đoạn Hà Nội nối với tuyến đường sắt quốc gia và đoạn Hải Phòng kết nối với cảng biển.

Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, dự kiến tháng 11/2024, quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được trình Bộ Giao thông Vận tải và các cấp có thẩm quyền xem xét. Theo chỉ đạo của Chính phủ, tuyến đường sắt giai đoạn một sẽ được khởi công trước năm 2030.

Ngoài tuyến trên, Bộ Giao thông Vận tải còn nghiên cứu quy hoạch hai tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc khác là Hà Nội - Lạng Sơn và Hạ Long - Móng Cái, kết nối với tuyến Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh.

Theo đơn vị tư vấn, đường sắt quốc gia trục Đông - Tây nối cảng biển phía đông tại Hải Phòng với vùng Tây Bắc hiện có 2 tuyến chính là Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai, nhưng khổ hẹp 1.000 mm, tiêu chuẩn kỹ thuật và năng lực vận tải thấp, không đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trong tương lai. Trong khi đó, trục đường sắt Đông - Tây hiện chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa của hệ thống đường sắt quốc gia.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là tuyến chính kết nối các khu kinh tế và khu công nghiệp, cảng biển lớn, nằm trong chiến lược hai hành lang một vành đai của Việt Nam (hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), nằm trong khuôn khổ của Khung hợp tác thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN.

Theo vtv.vn