Thứ 2, 25/11/2024, 04:51[GMT+7]

3 năm thực hiện chương trình GDPT 2018: Tín hiệu tích cực

Thứ 7, 13/04/2024 | 13:57:18
1,980 lượt xem
Chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 và thực hiện theo lộ trình đến năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn thành thực hiện ở tất cả các cấp học phổ thông. Sau hơn 3 năm triển khai, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng bước đầu đã đón nhận những tín hiệu tích cực.

Học sinh Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng) trở thành trung tâm trong mỗi tiết học.

Mang cuộc sống vào bài học

Giờ dạy môn Tin học của cô giáo Phan Thị Hương, Trường Tiểu học Vũ Hội (Vũ Thư) cùng các em học sinh lớp 3D với chủ đề “Thông tin trên internet” đã để lại hiệu quả rõ nét và ấn tượng với những giáo viên dự giờ. Đây là một nội dung mới so với sách giáo khoa môn Tin học theo chương trình cũ. Theo kế hoạch dạy học thì tiết dạy chỉ mang tính lý thuyết với mục tiêu là gợi mở học sinh cách giải quyết, tìm kiếm những thông tin không có sẵn trên máy tính, chưa yêu cầu học sinh phải thực hành kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet. Tuy nhiên, cô giáo Phan Thị Hương đã mạnh dạn đưa thêm phần thực hành ở những phút cuối của tiết học với yêu cầu học sinh tự khám phá, tìm kiếm thông tin ngay trên website của nhà trường, sau đó chia sẻ cho cô giáo và bạn bè cùng biết. Chính vì thế, tiết Tin học sôi nổi hơn, học sinh có cơ hội trải nghiệm, khám phá những thông tin hữu ích trên chính cổng thông tin điện tử của trường mình. Cách hướng dẫn học sinh tiếp cận bài học và thực hành theo đúng phương pháp, đặc trưng bộ môn của cô giáo Phan Thị Hương đạt hiệu quả cao, phát huy được năng lực, hình thành kiến thức mới cũng như kỹ năng tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên internet cho học sinh.

Đánh giá chung về chương trình GDPT 2018 sau 3 năm triển khai thực hiện, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên nhận định, chương trình mới, sách giáo khoa mới đã giúp học sinh có cơ hội thực hành nhiều hơn và giảm thiểu tình trạng dạy học bằng văn mẫu. Thay vì lối truyền thụ kiến thức một chiều như trước kia, giáo viên hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Chương trình mới tăng số lượng các tiết học thực hành, góp phần giúp học sinh có thêm hứng thú trong học tập. 

Cô giáo Mai Thị Nhung, Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng) chia sẻ: Từ khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, việc kiểm tra đánh giá học sinh bảo đảm tính công bằng, khách quan; đồng thời hạn chế tâm lý học đối phó, hạn chế tình trạng học vẹt, học tủ. So sánh sách giáo khoa giữa hai thời điểm trước và sau khi thực hiện chương trình mới, tôi nhận thấy sách giáo khoa cũ “nặng” về nội dung kiến thức, thể loại còn sách giáo khoa mới sẽ tổ chức theo trục kỹ năng, nâng cao tính thực hành để giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được. Khi dạy học, tôi luôn đi sâu vào bản chất để học sinh nắm bắt và phát huy được tư duy của mình. Việc phụ thuộc vào văn mẫu sẽ hạn chế, góp phần thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá học sinh.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Vũ Hội (Vũ Thư).

Chất lượng giáo dục được duy trì ổn định

Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội. 

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thống kê từng năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ kết quả học tập của học sinh các khối lớp khi thực hiện chương trình GDPT 2006 và thực hiện chương trình GDPT 2018 có sự chênh lệch không đáng kể. Điều đó cho thấy việc triển khai chương trình GDPT 2018 phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh toàn tỉnh. Qua từng năm học, tỉnh ta đã hoàn thành chương trình năm học theo khung kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ năm học, tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi theo kế hoạch năm học đề ra. Đội ngũ giáo viên dạy chương trình GDPT 2018 được các nhà trường sắp xếp, phân công hợp lý; nghiêm túc tham gia các đợt tập huấn nên nắm vững chương trình giáo dục và thực hiện tốt các khâu lập kế hoạch môn học, kế hoạch bài dạy, tổ chức các hoạt động dạy học, đánh giá học sinh. Các đơn vị thực hiện tốt việc áp dụng hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực tại các nhà trường; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học tích cực, chủ động, sáng tạo; chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực; thực hiện tốt việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn; tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh, bảo đảm sát đối tượng. Đặc biệt, việc thực hiện chương trình GDPT 2018 song hành với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nên tạo điều kiện lồng ghép các nguồn lực và mục tiêu để các địa phương tăng cường bổ sung, tu sửa, xây mới các phòng học, phòng chức năng, cải tạo khuôn viên trường, lớp, bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học.

Hiện nay, khó khăn đối với tỉnh khi thực hiện chương trình GDPT 2018 là việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; một số địa phương vẫn tồn tại tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu giáo viên dạy các môn tích hợp. Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vừa qua, đã có nhiều ý kiến của các cơ sở giáo dục về những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện chương trình GDPT 2018 được đưa ra. Chia sẻ với những khó khăn chung của toàn ngành hiện nay, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương và khẳng định cần những chủ trương, quyết sách, định hướng chỉ đạo kịp thời để giáo dục và đào tạo có bước tiến mới. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất cụ thể, vừa mang nhiệm vụ trước mắt vừa định hướng những nhiệm vụ chiến lược trong thực hiện chương trình sách giáo khoa 2018, kỳ vọng giáo dục tỉnh nhà đến năm 2030 Thái Bình phấn đấu nằm trong tốp 10 tỉnh có chất lượng giáo dục cao nhất cả nước. Vì thế, với những nhiệm vụ trước mắt, ngành giáo dục sẽ tổ chức triển khai thực hiện ngay bảo đảm tiến độ, chất lượng. Với những nhiệm vụ cần phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, ngành giáo dục sẽ đẩy nhanh tiến độ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Với những nhiệm vụ mang tính chiến lược, ngành sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình và mạnh dạn đề xuất với tỉnh những cơ chế, chính sách để đổi mới công tác quản lý, huy động nguồn lực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đúng như kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các tầng lớp nhân dân.

Đặng Anh