Chủ nhật, 24/11/2024, 11:27[GMT+7]

Lộ trình tắt sóng 2G - hướng người dân lên môi trường số

Thứ 6, 19/04/2024 | 08:23:39
4,780 lượt xem
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2026, hệ thống sử dụng công nghệ 2G hiện có được tiếp tục sử dụng để duy trì dịch vụ thoại và tin nhắn cho người sử dụng thiết bị đầu cuối 3G, 4G non-VoLTE. Từ tháng 9/2026, sẽ dừng hệ thống di động 2G. Đây là bước ngoặt trong phát triển hạ tầng viễn thông, là chìa khóa mở ra cuộc sống số, tương lai số cho người dân với nhiều tiện ích. Để quá trình tắt sóng không bị ảnh hưởng, các nhà mạng đã chuẩn bị các phương án tối ưu để việc liên lạc được bảo đảm thông suốt.

Người dân đến điểm giao dịch của các nhà mạng để được tư vấn, hỗ trợ chuyển từ sóng 2G lên 4G.

Thay đổi thói quen

Hơn 20 năm trước, ông Hồ Sĩ Nga, thôn Thuận An, xã Việt Thuận (Vũ Thư) thường xuyên sử dụng điện thoại sóng 2G (người dân hay nói vui là “điện thoại cục gạch”) để liên lạc. Quá trình sử dụng theo ông cũng có lúc việc nghe, gọi bị ảnh hưởng. Nhiều lần người thân trong gia đình khuyên ông đổi sang điện thoại thông minh sóng 4G để thuận tiện cho việc liên lạc nhưng ông vẫn ngần ngại. Tuy nhiên, khi biết thông tin điện thoại sóng 2G sắp tắt sóng, ông quyết định chuyển sang sử dụng điện thoại có sóng 4G. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nga cho biết: Sử dụng “điện thoại cục gạch” lâu ngày cũng thành quen nên tôi ngại thay đổi. Nhưng thấy con cháu, người thân sử dụng điện thoại thông minh, có sóng 4G với rất nhiều tiện tích nên tôi nghĩ mình cần phải thay đổi để thích ứng với cuộc sống hiện nay.

Khác với ông Nga, ông Phạm Ngọc Thành, tổ 4, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) là cán bộ hưu trí nên việc sử dụng điện thoại thông minh sóng 4G với ông không đơn thuần chỉ là nghe gọi mà còn giúp ông thuận tiện rất nhiều trong trao đổi thông tin. 

Ông Thành chia sẻ: Quá trình công tác, nhờ có điện thoại thông minh sóng 4G chúng tôi có thể nhắn tin trao đổi công việc qua zalo, facebook... rất hiệu quả. Giờ nghỉ hưu, có thời gian tôi thường xuyên đọc tin tức trên báo mạng, gọi điện cho con cháu ở xa có hình ảnh nên tôi thấy việc tắt sóng 2G chuyển sang 4G là rất hợp lý để đáp ứng với xu thế mới của thời đại.

Tại Việt Nam, mạng 2G đã được áp dụng từ năm 1993. Sau hơn 20 năm sử dụng, trước sự phát triển nhảy vọt của công nghệ mới đã khiến mạng 2G và 3G không còn đáp ứng được nhu cầu của người dùng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế công nghệ hiện nay. 

Theo ông Bùi Đình Hùng, Phó Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông), việc tắt sóng 2G bảo đảm 3 mục tiêu bao gồm: đối với xã hội khi tắt sóng 2G giúp người dùng sẽ loại bỏ dịch vụ chất lượng thấp; đối với doanh nghiệp sẽ giảm bớt chi phí khai thác, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển công nghệ số; đối với nhà nước khi tắt 2G sẽ giải phóng băng tần công nghệ cũ, sử dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả quan trọng, phù hợp với công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ. Thời gian qua, các nhà mạng đã tăng cường tuyên truyền về những tiện ích của việc sử dụng sóng 4G so với sóng 2G để người dân hiểu, tiến tới chủ động hợp tác dừng sử dụng điện thoại sóng 2G.

Viettel Thái Bình tổ chức điểm hỗ trợ khách hàng chuyển từ sóng 2G lên 4G tại các địa phương.

Sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G

Tại Thái Bình, Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao 2G lớn, chiếm 17% tổng số thuê bao. Trước yêu cầu phải tắt sóng mạng 2G, Viettel Thái Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và chủ động nâng cấp hạ tầng vùng phủ sóng. 

Thượng tá Lê Văn Nhậm, Giám đốc Viettel Thái Bình khẳng định: Để thay đổi thói quen của người dân, hơn 1 tháng qua các nhân viên của Viettel Thái Bình thường xuyên có mặt tại các địa phương trong tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích và hỗ trợ người dân chuyển từ sóng 2G sang 4G. Ngoài ra, Viettel có nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng, nhất là đối tượng nghèo và cận nghèo khi mua điện thoại sóng 2G nâng cấp lên 4G sẽ giảm 50% so với giá thị trường và hỗ trợ 28GB data tốc độ cao. Đối với hạ tầng vùng phủ, chủ trương của Viettel sẽ phủ toàn bộ mạng 4G ít nhất bằng 2G đúng vùng phủ để khách hàng sử dụng không bị gián đoạn.

Với nhà mạng Vinaphone, theo thống kê đến cuối năm 2023, tổng số thuê bao 2G chiếm 8% trong toàn mạng Vinaphone. Quá trình triển khai dừng sóng 2G, VNPT xây dựng lộ trình triển khai và phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng mạng Vinaphone.

VNPT Thái Bình chủ động kiểm tra, nâng cấp hạ tầng viễn thông để bảo đảm việc liên lạc được thông suốt.

Ông Trần Văn Thuyên, Giám đốc VNPT Thái Bình cho biết: VNPT Thái Bình đẩy mạnh truyền thông chủ trương và lộ trình tắt sóng 2G tới khách hàng thông qua nhiều kênh: internet, truyền hình và tin nhắn trực tiếp đến thuê bao. Tại các điểm giao dịch, điểm bán hàng lưu động, thông tin chương trình được phổ biến thông qua các băng rôn, áp phích, tờ rơi... Đặc biệt, để hỗ trợ khách hàng nằm trong diện bị ảnh hưởng, VNPT còn giao nhân viên hỗ trợ trực tiếp và triển khai trợ giá thiết bị đầu cuối; tổ chức đổi sim miễn phí và hỗ trợ trên 30.000 khách hàng; cung cấp các gói cước hấp dẫn khi khách hàng chuyển đổi mua gói cước 3G, 4G, ưu đãi tặng ngay 30GB data tốc độ cao miễn phí. Đây là bước chuyển đổi quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, hướng người dân lên môi trường số.

Theo thông báo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ ngày 1/3/2024 không cho phép các máy điện thoại di động mặt đất 2G không được chứng nhận hợp quy nhập kết nối vào mạng di động. Đến tháng 9/2024 sẽ hết hạn giấy phép cấp cho công nghệ 2G. Công nghệ 2G sẽ được quy hoạch và không được cấp phép mới. Từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2026, hệ thống 2G hiện có được sử dụng cho dịch vụ thoại và nhắn tin cho thuê bao sử dụng máy điện thoại 3G và máy 4G không hỗ trợ công nghệ VoLTE. Từ tháng 9/2026, sẽ dừng hệ thống di động 2G và chỉ sử dụng cho 4G.


Nguyễn Cường