Thứ 6, 22/11/2024, 00:40[GMT+7]

Thụy Dân: Phát triển tiểu thủ công nghiệp

Thứ 6, 19/04/2024 | 08:39:36
7,148 lượt xem
Những năm gần đây, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn xã Thụy Dân (Thái Thụy) ngày càng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Cơ sở may gia công của bà Nguyễn Thị Bưởi (người bên phải), thôn An Tiêm 1, xã Thụy Dân giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương.

Chúng tôi đến thăm cơ sở may gia công của bà Nguyễn Thị Bưởi, thôn An Tiêm 1 đúng thời điểm công nhân đang tất bật tăng ca hoàn thành đơn hàng túi, chuẩn bị giao hàng cuối tháng 4/2024. Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở, bà Bưởi chia sẻ: Trước đây tôi làm nhiều nghề để mưu sinh. Năm 2012, tôi được người quen giới thiệu sản xuất hàng may gia công cho một công ty lớn. Sau khi nghiên cứu, tôi quyết định vay 50 triệu đồng đầu tư mua máy may, máy cắt, máy vắt sổ, máy đánh khuy. Hiện tôi đang duy trì 20 máy may, giải quyết việc làm thường xuyên 20 lao động, thu nhập 130.000 - 200.000 đồng/ngày (phụ thuộc vào tay nghề). Thời điểm nhiều đơn hàng, tôi phải thuê thêm thợ may tại địa phương với công may từ 20.000 - 30.000 đồng/sản phẩm. Để duy trì được các đơn hàng, tôi luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng. Trung bình mỗi tháng cơ sở nhận gia công 1.000 - 2.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Sen, thôn An Tiêm 1 gắn bó với cơ sở may từ ngày đầu thành lập tâm sự: Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Từ năm 2012, khi cơ sở đi vào hoạt động, tôi đã xin vào làm. Mỗi ngày tôi có thể may được 6 - 8 sản phẩm. Làm việc ở đây tôi có thể thu xếp thời gian đưa đón cháu đi học cũng như làm nông. Nếu chăm chỉ, tôi có thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Đàm, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Dân cho biết: Trên địa bàn xã có 7 cơ sở may công nghiệp, 200 máy may, thu hút hơn 250 lao động, thu nhập bình quân 4 - 9 triệu đồng/người/tháng. Thực tế cho thấy các cơ sở may công nghiệp phát triển đã tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí 12 về tỷ lệ lao động qua đào tạo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Qua rà soát, xã có 1.431 lao động có việc làm thường xuyên; 935 lao động đã qua đào tạo, đạt 66,5%. Đẩy mạnh phát triển TTCN, Thụy Dân đã thành lập Hiệp hội ngành nghề. Thông qua Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, hộ gia đình đã được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn tạo điều kiện phát triển nghề truyền thống và đưa thêm nhiều nghề mới như: rút thép, thêu ren, mây tre đan và làm hương công nghiệp vào địa phương.

Tại Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hưng An chuyên sản xuất các sản phẩm từ cói, mây tre đan, bèo tây..., không khí lao động rất nhộn nhịp. Hơn 20 công nhân làm việc tại xưởng, người may nhãn mác, người kiểm tra sản phẩm, người đóng túi cất xếp lên kho chờ ngày xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Đức Danh, Giám đốc Công ty chia sẻ: Tôi là một trong những người đầu tiên đưa nghề mây tre đan về địa phương. Ban đầu là tổ sản xuất, đến năm 2021 tôi thành lập công ty, các sản phẩm làm từ mây tre đan, cói, bèo bồng của cơ sở đều xuất đi thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản. Năm 2023, Công ty xuất 500.000 sản phẩm, doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng. Hiện nay Công ty đã phát triển 20 cơ sở sản xuất vệ tinh với trên 300 lao động địa phương và các xã lân cận, thu nhập bình quân 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình hoạt động, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Bà Lê Thị Diện, thôn An Tiêm chia sẻ: Năm nay tôi 64 tuổi, quá độ tuổi lao động trong các công ty. Nhà tôi có hơn 3 sào ruộng, chỉ bận vài hôm vào mùa vụ nên thời gian rỗi khá nhiều. Từ ngày có cơ sở mây tre đan của ông Danh, tôi tham gia học nghề, nhận nguyên liệu về nhà làm. Nếu chịu khó, mỗi tháng tôi có thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng.

Ông Nguyễn Công Phước, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Dân cho biết: Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 487,618 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất TTCN, xây dựng cơ bản đạt 235,592 tỷ đồng. Để tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển TTCN, xã thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn... Năm 2024, xã phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 504 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 72 triệu đồng/người/năm, quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao.

Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hưng An (Thụy Dân) đã phát triển 20 cơ sở sản xuất vệ tinh với trên 300 lao động địa phương.

Nguyễn Thắm