Thứ 7, 23/11/2024, 15:16[GMT+7]

Thiếu thuốc, vật tư y tế: Quyết tâm gỡ khó Kỳ 1: Thiếu thuốc, vật tư y tế - Khổ cả hai phía

Chủ nhật, 21/04/2024 | 19:45:47
3,134 lượt xem
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế không phải là vấn đề mới bởi nó đã diễn ra nhiều năm nay tại các bệnh viện trên cả nước. Tại Thái Bình, mặc dù tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục song do nguyên nhân cả khách quan, chủ quan, ở một số thời điểm, một số đơn vị khám chữa bệnh vẫn xảy ra tình trạng này. Quyết tâm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang là nhiệm vụ được quyết liệt thực hiện.

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xuất hiện từ năm 2021. Đến nay, sang năm thứ tư, câu chuyện thiếu thuốc vẫn là vấn đề nóng gây nên sự phản ứng đối với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT).

Từ thiếu ở nhiều nơi đến thiếu cục bộ, từng thời điểm 

Điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải với căn bệnh rối loạn tiền đình, bà Phạm Thị Tiến, xã Tây Phong (Tiền Hải) cho biết: Hiện tại, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đã có đủ thuốc BHYT, không như thời gian trước, nhiều đợt cán bộ y tế giải thích không có thuốc BHYT nên mặc dù nằm viện, bệnh nhân phải tự mua thuốc để sử dụng.   

Có người nhà điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do bị nhồi máu tiểu não kèm theo bệnh tăng huyết áp, rối loạn chức năng tiền đình, xơ vữa động mạch, ông Đ.H.Q, tổ 17, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) cầm đơn thuốc bác sĩ kê đi mua thuốc tại nhà thuốc của Bệnh viện. Trong đơn thuốc có kê 3 loại thuốc và mua thêm 5 bơm kim tiêm loại 10ml. Ông Đ.H.Q chia sẻ: Những hôm đầu nhập viện thì có bơm kim tiêm nhưng sau trong đơn thuốc bác sĩ ghi mua bơm kim tiêm nên mình phải mua. Trong đợt điều trị này, đây là lần thứ hai tôi đi mua bơm kim tiêm, đợt trước đã mua 10 cái. Đối với thuốc, bác sĩ nói có những loại thuốc Bệnh viện không có, phải mua ngoài nhà thuốc của Bệnh viện. Có người nhà nằm viện, mong muốn điều trị nhanh khỏi, bác sĩ dặn sao thì chúng tôi chỉ biết thực hiện như vậy. 

Việc thiếu thuốc không diễn ra ở một khoa, phòng trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà diễn ra ở một số khoa, phòng bởi đây là đơn vị tuyến cuối của tỉnh, số lượng người khám, điều trị đông. Tại Khoa Hồi sức tích cực, nơi điều trị cho những bệnh nhân nặng có thời điểm thiếu các thuốc an thần, kháng sinh, trợ tim... Theo phản ánh của cán bộ khoa, lúc thì thiếu thuốc này, lúc lại thiếu thuốc khác, có thời điểm thiếu cả các nhóm thuốc thay thế. 

Từ năm 2021 đến nay, việc thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế diễn ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài tỉnh, cả trung ương và địa phương theo từng thời điểm khác nhau. 

Ông Trần Văn Khương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình cho biết: Từ năm 2021 - 2023, tại Bệnh viện cũng xảy ra thiếu thuốc. Bệnh viện đã vận dụng nhiều nguồn lực, trong đó có việc vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ song giải pháp này cũng chỉ tạm thời, không bền vững bởi với những mặt hàng giá trị lớn rất khó kêu gọi tài trợ. Đến nay, tình trạng thiếu thuốc tại Bệnh viện cơ bản được khắc phục. 

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình, theo lãnh đạo Bệnh viện, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện thiếu vị thuốc. Mặc dù các bài thuốc vẫn khắc phục được, tuy nhiên khi thiếu vị thuốc, chất lượng sẽ không bảo đảm như khi đủ thuốc. Còn đối với các bệnh viện tuyến huyện, tình trạng thiếu thuốc đến nay cơ bản được khắc phục, song ở một số thời điểm việc thiếu thuốc vẫn diễn ra ở một số danh mục thuốc. 

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà cho biết, có thời điểm thiếu thuốc sabutamon truyền, các thuốc thụt tháo. Bệnh viện phải dùng một số loại thuốc thay thế. 

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đóng gói thuốc. 

Khổ người bệnh, khổ cả bác sĩ, nhân viên y tế

Có bệnh phải vào bệnh viện đã khổ nhưng vào bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế để điều trị lại càng khổ hơn, nhất là với những người không có điều kiện về kinh tế. Cùng với chi phí ăn ở, đi lại, nếu không may mắc bệnh trọng phải điều trị dài ngày, cộng thêm tiền mua thuốc... sẽ khiến khó khăn của bệnh nhân nhân lên bội phần. 

Anh Nguyễn Văn Minh, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) chia sẻ, anh có mẹ bị ung thư, phải điều trị hóa chất. Theo phác đồ điều trị, mỗi đợt hóa trị cần truyền 3 loại hóa chất song có thời điểm như năm 2022, mẹ anh vào viện, bác sĩ giải thích do không có thuốc nên chỉ được sử dụng 1 loại, còn 2 loại khác, nếu muốn sử dụng phải đặt mua từ Hà Nội về. Để bảo đảm không gián đoạn điều trị, gia đình anh chấp nhận đặt mua thuốc với giá lên tới hàng chục triệu đồng. Trong cùng phòng bệnh, hầu hết các bệnh nhân đều phải đặt mua thuốc để sử dụng như vậy, với những gia đình không có kinh tế thì thực sự vô cùng khó khăn. 

Thiếu thuốc, vật tư y tế không chỉ làm khổ, gây thêm khó khăn cho bệnh nhân mà còn làm khổ, làm khó khăn đối với các bác sĩ, nhân viên y tế, họ ví mình là những người “đi cày mà không có trâu”. Nhiều bác sĩ chia sẻ, thiếu thuốc, không có thuốc, phải kê đơn cho bệnh nhân mua để sử dụng bởi nếu không mua thuốc ngoài sử dụng thêm thì bệnh không khỏi, khi kê đơn cho bệnh nhân mua thuốc lại phải giải thích, tư vấn, nhiều khi bệnh nhân không hiểu cho rằng bác sĩ gây khó dễ, dẫn đến có thái độ không đúng mực, rất áp lực và mệt mỏi. 

Bác sĩ Đỗ Tất Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Thiếu thuốc, vật tư sẽ gây thiệt thòi cho người bệnh và khó khăn cho Khoa trong triển khai các kỹ thuật mới. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, chúng tôi đã triển khai các kỹ thuật chuyên sâu. Riêng đối với Khoa đã triển khai các phẫu thuật bệnh lý về lồng ngực, mạch máu và tim hở. Nếu trước kia, trung bình mỗi năm chúng tôi thực hiện 30 - 35 ca phẫu thuật tim hở thì những năm gần đây, với tình trạng thiếu thuốc, vật tư, các ca phẫu thuật tim không thực hiện được do nhà thầu không cung cấp được một số loại thuốc. Những bệnh nhân không phẫu thuật được sẽ được chuyển tuyến đến các cơ sở đủ điều kiện về hóa chất, vật tư y tế nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị bệnh viện trung ương cũng rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Bên cạnh đó, thiếu thuốc, trang thiết bị, phẫu thuật cắt thùy phổi nội soi cũng không thực hiện được mà phải thay bằng mổ mở. Nếu trước năm 2020, mỗi năm chúng tôi có thể thực hiện khoảng 45 ca phẫu thuật cắt thùy phổi, trong đó chỉ 15 - 20 ca mổ mở thì nay con số này đã đảo ngược. Hiện nay, nhiều mặt bệnh chúng tôi vẫn đang duy trì điều trị, cố gắng khắc phục đợi các gói thầu mới để có thuốc. Tôi hy vọng những phương án mà ngành, Bệnh viện đề ra sẽ đáp ứng được nhu cầu thuốc phục vụ khám chữa bệnh thời gian tới. Chúng tôi rất mong người bệnh, người nhà bệnh nhân có những chia sẻ với nhân viên y tế. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Năm 2021 - 2023, tình trạng thiếu thuốc khá căng thẳng diễn ra tại hệ thống các bệnh viện toàn quốc không riêng tại Thái Bình. Đến nay, việc thiếu thuốc cơ bản được khắc phục, tại các bệnh viện tuyến huyện và chuyên khoa cơ bản đáp ứng đủ thuốc điều trị, thiếu thuốc cơ bản chỉ còn xuất hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và chỉ ở một số thời điểm, đối với một số danh mục. 

Bà Nguyễn Thị Minh Chính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến thời điểm này cơ bản có đủ thuốc BHYT, chỉ thiếu thuốc cục bộ tại một số thời điểm, tại một số khoa điều trị. Tình trạng thiếu thuốc tại Bệnh viện có căng hơn so với các bệnh viện trong tỉnh bởi Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến cuối, lưu lượng bệnh nhân đông. Trong trường hợp nếu bệnh viện tuyến dưới không có thuốc điều trị, bệnh viện tuyến dưới sẽ chuyển tuyến bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Song, với những mặt bệnh nặng, cần thuốc hiếm khi Bệnh viện không có thuốc thì vẫn phải chuyển tuyến trên. Thế nhưng, do thiếu vật tư, quá tải các bệnh viện tuyến trên cũng khó đáp ứng hết được. Bệnh viện hoàn toàn thấu hiểu điều này song đó là tình trạng chung và Bệnh viện đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ. 

Nằm viện điều trị, mặc dù trong danh mục thuốc được BHYT chi trả song bệnh nhân phải mua thuốc ngoài sử dụng, mua cả những vật tư y tế rất nhỏ như bơm kim tiêm, dây truyền..., đó là những gì diễn ra thời gian hơn 3 năm qua, khi thì ở phần lớn bệnh viện, khi thì ở một số bệnh viện, một số thời điểm. Phần đông bệnh nhân đều băn khoăn thắc mắc tại sao tiền BHYT vẫn đóng đủ mà quyền lợi lại không được hưởng theo quy định. Tại sao chỉ bệnh viện công lập mới xảy ra thiếu thuốc, tại các bệnh viện tư lại không gặp tình trạng này? 

Tủ thuốc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

(còn nữa)

Trần Hương - Hoàng Lanh