Thứ 6, 22/11/2024, 03:34[GMT+7]

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng cả lượng và chất

Thứ 4, 08/05/2024 | 15:17:24
1,357 lượt xem
Không chỉ vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tiếp đà tăng tích cực, mà quan trọng là nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam.

Nhà máy của Samkwang tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).

Điểm sáng của bức tranh kinh tế

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được coi là một điểm sáng của bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm 2024. Khi báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2024, diễn ra ngày 4/5, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh điều này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn giải ngân đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%, đạt mức cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm gần đây.

Một điểm đáng chú ý được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh trước đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đăng ký mới. Có tới 966 dự án đăng ký mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 4 tháng qua, với tổng vốn đăng ký hơn 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% về số dự án và tăng 73,2% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này thực sự rất đáng khích lệ trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn sau các tác động của đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu.

Ngoài vốn đăng ký mới, thì vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều giảm so với cùng kỳ, tương ứng đạt 1,23 tỷ USD, giảm 25,6% và đạt gần 929,6 triệu USD, giảm 70,1%, nhưng đó chỉ là vấn đề mang tính thời điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang có cái nhìn tích cực và lạc quan về điểm đến Việt Nam.

Hyosung là một ví dụ. Tập đoàn này, sau 14 năm có mặt tại Việt Nam, đã đầu tư tới hơn 4 tỷ USD vào các nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh. Cách đây ít lâu, cuối tháng 3/2024, Hyosung tiếp tục đầu tư một dự án 730 triệu USD, chuyên sản xuất sản phẩm sinh học tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Quyết định đầu tư nhà máy này nằm trong kế hoạch thích nghi với sự chuyển dịch của thị trường vật liệu toàn cầu, hướng đến các sản phẩm bền vững.

Ngoài ý nghĩa là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất đăng ký vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, dự án sản xuất sản phẩm sinh học của Hyoung cũng là sự biến chuyển đáng khích lệ về “chất”. Sản xuất sản phẩm sinh học là một trong những lĩnh vực được Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư.

“Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng, như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic…, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng cũng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 4 tháng qua”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận xét.

Tăng lượng, tăng cả chất

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam”.

Đó là một thực tế. Nhìn vào các động thái gần đây của các tập đoàn Apple, NVIDIA, Lam Research…, có thể kỳ vọng sẽ còn một lượng vốn lớn hơn nữa trong các lĩnh vực công nghệ cao đổ vào Việt Nam.

Cơ hội cho Việt Nam đang rất lớn. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn nhấn mạnh, tới đây, cần tập trung thu hút các Dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen... “Phải kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ các Dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông Keith Strier, Phó chủ tịch Tập đoàn NVIDIA, sau khi đi khảo sát tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, đã nói rằng, ông có “một niềm lạc quan” để có thể hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. “Tôi hoàn toàn đồng cảm với sự thích thú của Chủ tịch Tập đoàn (ông Jensen Huang - PV) khi đến Việt Nam lần trước. Việt Nam có đầy đủ yếu tố để phát triển mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như làm chủ về công nghệ AI”, ông Keith Strier nói.

Chưa có thêm cam kết khác được đưa ra, ngoài thỏa thuận được ký với FPT. Mặc dù trong thỏa thuận này, FPT mới là người chi 200 triệu USD để thành lập AI Factory, song giới chuyên gia công nghệ cho rằng, được NVIDIA lựa chọn hợp tác đã có thể coi là một thành công lớn. Thỏa thuận hợp tác này không khác so với thỏa thuận hợp tác mở trung tâm dữ liệu AI 200 triệu USD ở Indonesia mà NVIDIA đã công bố trước đó.

Hơn nữa, thông tin cho biết, có 3 kế hoạch lớn mà NVIDIA muốn triển khai ở Việt Nam. Đó là thiết lập trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo về AI; lắp đặt hệ thống siêu máy tính và chuyển một phần việc sản xuất bộ vi xử lý hình ảnh (GPU) cho các siêu máy tính sang Việt Nam. Nếu các kế hoạch được hiện thực hóa, đó sẽ một cơ hội lớn để Việt Nam thu hút đầu tư trong các lĩnh vực này.

“Việt Nam ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần đây, thế mạnh của Việt Nam được thể hiện rõ nét hơn trên các phương diện chính trị, nhân lực, cơ sở hạ tầng và thu hút được ngày càng nhiều sự chú ý trên toàn thế giới”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói như vậy hôm Samsung chính thức cùng với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) bắt đầu triển khai Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023-2024 tại NIC cơ sở Hòa Lạc.

Lý giải về việc hợp tác cùng NIC để triển khai chương trình này, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 của Việt Nam, ông Choi Joo Ho khẳng định, tầm quan trọng của Việt Nam trong ngành công nghệ cao - ngành mà Samsung cũng đang tập trung đầu tư và phát triển, được kỳ vọng sẽ nổi bật hơn nữa.

“Các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, do đó nhu cầu về nhân tài công nghệ cao cũng gia tăng đột biến”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà ông Choi Joo Ho nói điều đó. Ông nhìn thấy mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Tập đoàn Samsung nói riêng, đối với thị trường Việt Nam.

Samsung hàng năm vẫn đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD vào Việt Nam. Con số của năm ngoái lên tới 1,2 tỷ USD. Trong khi đó, Lam Research, một trong những nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, đang muốn mở nhà máy tỷ USD ở Việt Nam.

Và thông tin mới đây trên tờ Nikkei Asia, “ông lớn” Alibaba cũng muốn xây dựng dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, ngân khoản dự kiến lên tới hơn 1 tỷ USD.

Theo baodautu.vn