Thứ 2, 14/10/2024, 20:47[GMT+7]

Đồng hành cùng học sinh khi chọn ngành, chọn trường

Thứ 5, 09/05/2024 | 09:48:40
2,870 lượt xem
Không biết chọn ngành nào, trường nào phù hợp với sở thích, năng lực bản thân là thực tế của không ít học sinh khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nhiều thầy cô giáo cho rằng, việc chọn ngành, chọn trường cần có “chiến thuật” và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy, các hoạt động giáo dục hướng nghiệp được nhiều nhà trường đẩy mạnh nhằm giúp các em có hiểu biết nhất định về ngành nghề và những biến động trong tương lai.

Học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Quyết định khó khăn 

Thời gian sau tết Nguyên đán cũng là lúc các bạn học sinh lớp 12 tất bật tìm hiểu, nghiên cứu các ngành học, trường học phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Các trường đại học cũng thường xuyên có những buổi tư vấn tuyển sinh, ngày hội tư vấn hướng nghiệp nhằm thu hút thí sinh tiềm năng. Tuy nhiên, đối với các em học sinh, việc lựa chọn và đưa ra quyết định không hề dễ dàng. 

Em Nguyễn Minh Huyền, Trường THPT Tây Thụy Anh chia sẻ: Em khá đắn đo khi lựa chọn ngành học, trường học bởi phải xem xét từ nhiều khía cạnh như học lực, môi trường đại học, chương trình ngành học, cơ hội việc làm, học bổng... Em vừa muốn chọn trường đại học có ngành học mà mình yêu thích vừa muốn có việc làm tốt phù hợp với ngành học sau khi tốt nghiệp. 

Lo lắng của Huyền cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh lớp 12 hiện nay. Em Lê Quốc Khánh, Trường THPT Nam Đông Quan tâm sự: Giai đoạn này chúng em vừa học vừa ôn tập và chuẩn bị đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Đây là thời điểm quan trọng để em đưa ra quyết định cho tương lai sau này. Em có ý định chọn ngành thiết kế đồ họa nhưng em thấy mình học ở mức khá, không biết có thể đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn không. Vì vậy, em vẫn đang phân vân trong việc xác định nguyện vọng của bản thân. 

Việc các em học sinh lớp 12 chưa thật sự xác định được mình muốn học gì, làm gì trong tương lai, cũng như sự cạnh tranh trong quá trình thi cử, xét tuyển đang khiến nhiều em cảm thấy áp lực, lo lắng và mất tự tin trong khoảng thời gian cuối cấp này. 

Ông Phạm Anh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Hưng cho biết: Giai đoạn này rất quan trọng với thầy trò bởi vừa học vừa ôn tập nhưng đồng thời cần những định hướng để các em có sự lựa chọn đúng đắn trong tương lai. Một số em bị rối loạn thông tin khi tìm hiểu quá nhiều nơi, vì thế tư vấn hướng nghiệp cho các em thời điểm này là vô cùng cần thiết. Lựa chọn trường trước hay ngành trước là câu hỏi của khá nhiều học sinh hiện nay. Nhiều chuyên gia khuyên rằng nên chọn ngành trước, chọn trường sau và phải xác định một danh mục các ngành thật ngắn gọn, không thể chọn ngành quá đa dạng được, điều này sẽ dẫn tới ảnh hưởng công việc sau này. Đặc biệt, các em cần chọn ba nhóm ngành xét tuyển, trong đó nhóm thứ nhất là nhóm ngành ước mơ, kỳ vọng; nhóm thứ hai là nhóm vừa sức gồm các ngành các em mong muốn học và có nhiều cơ hội trúng tuyển, vừa sức so với năng lực, sở trường của các em và nhóm thứ ba là nhóm tránh rủi ro, giúp các thí sinh không bị “trắng tay” khi đăng ký xét tuyển. 

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh 

Hướng nghiệp là chọn nghề nhưng chọn một nghề cụ thể trong tương lai dài lại là bài toán khó. Với tốc độ phát triển của xã hội và công nghệ hiện nay, sẽ có nhiều nghề mới ra đời nhưng có thể sẽ có nhiều nghề “biến mất” trong tương lai. Tại hội thảo hành trình khởi nghiệp từ THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vừa qua, gần 20.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh được nghe các chuyên gia chia sẻ các kiến thức về nhu cầu nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của sinh viên hiện nay... Bằng hình thức trao đổi trực tiếp kết hợp với trực tuyến, các chuyên gia đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về nhu cầu nguồn nhân lực, hoạt động khởi nghiệp của học sinh, qua đó góp phần nuôi dưỡng và khơi dậy những ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp, tạo cơ hội học tập và lựa chọn ngành, nghề sau khi tốt nghiệp THPT của các em. 

PGS, TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Học viện, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Học viện có nhiều ngành đào tạo như thú y, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật ô tô, kỹ thuật điện, điện tử, logistics, kinh tế đầu tư... và là đơn vị tiên phong trong các cuộc thi khởi nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã tổ chức 8 cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút 1.250 dự án từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, THPT tham gia. Đặc biệt, nhiều ý tưởng, dự án đã phát triển thành các doanh nghiệp có vị trí trong cộng đồng thanh niên khởi nghiệp và có nhiều đóng góp cho xã hội. Việc tổ chức hội thảo hành trình khởi nghiệp từ THPT nhằm phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ; trang bị kiến thức, kỹ năng để học sinh THPT xây dựng, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp theo tinh thần Quyết định số 1665/QĐ- TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1230/QĐ- BGDĐT, ngày 30/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, các hội thảo về hành trình khởi nghiệp được các trường THPT đặc biệt chú trọng thực hiện. Ngành giáo dục Thái Bình mong rằng trong thời gian tới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đại học, học viện trên cả nước sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh của tỉnh Thái Bình, đặc biệt trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học cho các em. Đồng thời, sẽ tiếp nhận, đào tạo các em học sinh có nguyện vọng, khát vọng và đam mê khởi nghiệp đến nghiên cứu, học tập tại nhà trường sau khi tốt nghiệp THPT. 

Trong xã hội biến động không ngừng, cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, ông Nguyễn Viết Hiển cho rằng sẽ có những biến động về nguồn nhân lực, có những ngành nghề mới có thể sinh ra và những ngành sẽ mất đi. Để đứng vững trong thị trường lao động luôn thay đổi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh đều cần chuẩn bị thật tốt những kỹ năng cần thiết để có thể linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của xã hội trong nhiều năm tới.

Học sinh Trường THPT Tây Thụy Anh chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc tại hội thảo hành trình khởi nghiệp từ THPT.

Đặng Anh