Thứ 2, 25/11/2024, 11:11[GMT+7]

Vũ Thư: Tích cực nghiên cứu, triển khai các giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh

Chủ nhật, 12/05/2024 | 20:06:18
14,141 lượt xem

Thị trấn Vũ Thư - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Là vùng đất nằm giữa 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Trà Lý với những cánh đồng màu mỡ và những bãi bồi trải dài theo các triền sông, huyện Vũ Thư có diện tích tự nhiên khoảng 196,9km2 , dân số trên 240.400 người, mật độ dân số khoảng 1.169 người/1km2 ; có 30 đơn vị hành chính gồm 29 xã và 1 thị trấn. Vũ Thư có nguồn lao động dồi dào, người dân cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động và có nhiều kinh nghiệm thâm canh.

Để bảo đảm phát triển bền vững, cụ thể hóa khát vọng phát triển tỉnh Thái Bình, thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, tỉnh Thái Bình đã lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023. Theo Quy hoạch, Thái Bình phấn đấu đến năm 2030 trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững. 

Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh phát triển theo mô hình cấu trúc không gian gồm 4 khu vực chính: (1) Không gian kinh tế - xã hội khu vực trung tâm (khu vực thành phố Thái Bình và phụ cận). (2) Không gian kinh tế - xã hội ven biển (gồm 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy) kết nối với các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình). (3) Không gian kinh tế - xã hội khu vực ngoại biên (gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ và phía Bắc huyện Đông Hưng). (4) Không gian kinh tế - xã hội phía Nam (gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư). 

Huyện Vũ Thư được xác định nằm trong 2 khu vực không gian của tỉnh: (1) Không gian kinh tế - xã hội khu vực trung tâm (khu vực thành phố Thái Bình và phụ cận). (2) Không gian kinh tế - xã hội phía Nam (gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư). Mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh: Xây dựng huyện Vũ Thư là trung tâm dịch vụ trung chuyển; dịch vụ tổng hợp; nông nghiệp công nghệ cao; kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái ven sông. Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho nền kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình. Hướng tới xây dựng huyện Vũ Thư là huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, các yếu tố liên quan đến huyện Vũ Thư được xác định bởi các phương án trong quy hoạch, nổi bật là: 

- Đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, du lịch: Hình thành vành đai nông nghiệp phía Đông Nam đô thị Vũ Thư. Phát triển các địa điểm tiềm năng như làng vườn Bách Thuận... thành khu du lịch cấp tỉnh. 

- Đối với lĩnh vực công nghiệp: Phát triển cụm công nghiệp gồm các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động (Tân Minh, thị trấn Vũ Thư, Tam Quang, Vũ Hội, Nguyên Xá, Minh Lãng), cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật (cụm công nghiệp Phúc Thành), các cụm công nghiệp thành lập mới (Ngô Xá, Đồng Thanh, Vũ Vân). 

- Phát triển mạng lưới đô thị: Định hướng đến năm 2030 Vũ Thư có 1 đô thị loại IV (thị trấn), 4 đô thị loại V (Xuân Hòa, Vũ Tiến, Tân Phong, Vũ Hội). 

- Phát triển hệ thống giao thông: Giao thông đường bộ gồm các đường huyện, đường tỉnh ĐT.454, ĐT.463 và mạng lưới quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn huyện theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đường thủy nội địa gồm: Quy hoạch sông Thẫm (Pari) là trục cảnh quan; các cảng, bến thủy nội địa hàng hóa xây dựng mới (cảng Sa Cao, cảng Tân Phong); các cảng, bến thủy nội địa hành khách xây dựng mới (bến Tân Đệ, bến Vũ Tiến, bến Bồng Tiên). 

- Phát triển hạ tầng xã hội gồm: Thành lập 1 trường dạy nghề quy mô 10ha; thu hút đầu tư xây dựng 1 trung tâm dưỡng lão đạt tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô khoảng 10ha. Các hạ tầng kinh tế kỹ thuật khác như: Phát triển cấp nước với 12 nhà máy (Xuân Hòa, Tự Tân, Duy Nhất, Việt Hùng, Hồng Phong, Nguyên Xá, Việt Thuận, Minh Lãng, Bách Thuận, Hồng Lý, Vũ Tiến, thị trấn Vũ Thư); khu xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn huyện tiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật; kho trung chuyển xăng dầu Thái Bình. 

Ngoài ra, trong Quy hoạch tỉnh, các chương trình, dự án ưu tiên thực hiện tại huyện gồm: Nâng cấp, cải tạo quốc lộ đi qua địa bàn huyện; hạ tầng truyền tải điện; khu thực nghiệm sinh học công nghệ cao tỉnh Thái Bình; trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi giá trị; dự án sản xuất rau sạch, an toàn; khu du lịch cộng đồng gắn với làng nghề Bách Thuận; điểm du lịch chùa Keo; tuyến du lịch sông Trà Lý... 

Các đồng chí lãnh đạo huyện Vũ Thư kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Quy hoạch tỉnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực hiện mục tiêu tăng trưởng về đô thị hóa trên địa bàn, khai thác các tiềm năng về du lịch, thực hiện các dự án về lao động việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để Vũ Thư phát triển theo đúng định hướng và tầm nhìn dài hạn. Xác định rõ, công bố Quy hoạch tỉnh mới là bước khởi đầu, chặng đường thực hiện Quy hoạch rất dài, nhiệm vụ rất quan trọng, trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi đan xen không ít thách thức; do đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, địa phương, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Thái Bình được phê duyệt, huyện Vũ Thư đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh, đó là: 

Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Quy hoạch tỉnh, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến huyện Vũ Thư tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khoa học trong thực hiện Quy hoạch. Đăng tải Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cổng thông tin điện tử của huyện nhằm cung cấp kịp thời những thông tin về Quy hoạch tỉnh; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh trên địa bàn huyện Vũ Thư để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển của tỉnh và của huyện Vũ Thư. 

Tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cấp huyện bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung thị trấn Vũ Thư và vùng phụ cận theo tiêu chí đô thị loại IV, các quy hoạch đô thị Tân Phong, Xuân Hòa, Vũ Tiến, Vũ Hội, trong đó xác định quy hoạch đô thị thị trấn Vũ Thư là quan trọng nhất, là động lực phát triển của huyện; đồng thời, xây dựng chương trình phát triển đô thị theo chỉ đạo của tỉnh và ngành chuyên môn. Đây là nhiệm vụ hàng đầu và là căn cứ pháp lý để huyện triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhà ở trên địa bàn; triển khai dự án du lịch để cụ thể hóa đề án phát triển du lịch của tỉnh trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên sẵn có của huyện. 

Chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tập trung nghiên cứu, nắm chắc các yếu tố liên quan của huyện trong Quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó xác định được nguồn lực, đầu tư các dự án trọng điểm để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; phát triển ngành dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho vùng kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình; phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái ven sông theo phương án phát triển vùng huyện Vũ Thư của Quy hoạch tỉnh. Chú trọng công tác quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc, cảnh quan, môi trường gắn với bảo tồn, tu bổ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của huyện. 

Để Quy hoạch tỉnh thực sự trở thành một động lực phát triển, huyện Vũ Thư sẽ tập trung đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực để thực hiện quy hoạch, ưu tiên các nguồn lực sẵn có để triển khai các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn để tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy nguồn lực xã hội. Đặc biệt, đầu tư, nâng cấp và hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, thương mại - dịch vụ - du lịch, hạ tầng nông nghiệp và nông thôn... đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; đồng thời tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với huyện. 

Với sự chủ động, thống nhất ý chí và quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân, Quy hoạch tỉnh sẽ từng bước được hiện thực hóa trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch, tạo đột phá trong thời kỳ phát triển mới của huyện Vũ Thư và của tỉnh Thái Bình, đưa Vũ Thư trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian sớm nhất. 

Nguyễn Quang Anh

 (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày