Thứ 6, 22/11/2024, 04:29[GMT+7]

Gặp gỡ em Phạm Thảo Phương giành giải đặc biệt tại cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ”

Chủ nhật, 19/05/2024 | 17:05:10
10,464 lượt xem
Ngày 18/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp với Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - thiếu nhi với Bác Hồ” năm học 2023 - 2024. Vượt qua hàng trăm nghìn tác phẩm dự thi trên cả nước, em Phạm Thảo Phương, học sinh lớp 7A4, Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình) đã xuất sắc giành giải đặc biệt.

Ban tổ chức trao giải Đặc biệt cho em Phạm Thảo Phương.

“Công trình” hơn 200 trang trình bày công phu, sáng tạo, logic

Sở dĩ gọi tác phẩm dự thi của em Phạm Thảo Phương là “công trình” bởi tác phẩm của em dày hơn 200 trang được trình bày công phu, sáng tạo và rất logic bao gồm nhiều bài viết tìm hiểu về Bác Hồ, bộ sưu tập hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi, các bài thơ, văn đặc sắc thiếu nhi viết về Bác. Đặc biệt, trong tác phẩm có nhiều bài học cuộc sống về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Thảo Phương đúc kết từ chính những câu chuyện của bản thân, gia đình, nhà trường và thực tế xã hội. 

Thảo Phương chia sẻ: Ngay khi nhà trường phát động cuộc thi vào cuối tháng 12/2023, em đã trình bày ý tưởng của mình với cô giáo chủ nhiệm và bố mẹ về một tác phẩm về Bác. Trước khi bắt tay vào thực hiện, bố của em đã nói với em rằng con hãy nhớ lại những suy nghĩ của Bác Hồ trước khi Người viết, đó là viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào. Trả lời được câu hỏi đó thì bài viết của con sẽ đạt được đúng mục đích của cuộc thi và có tính thực tiễn cao. Đúng như lời nhắc nhở của bố, trước hết em đã chắt lọc cho mình những tư liệu quý giá làm cẩm nang học tập cho bản thân. Em thiết nghĩ mỗi bài nói, bài viết của Bác, mỗi tác phẩm của Bác, về Bác hay mỗi mẩu chuyện kể về Bác... đều chứa đựng trong đó những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Gia đình và Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình) chúc mừng em Phạm Thảo Phương.

Không chỉ dừng lại ở những tư liệu quý giá về Bác, trong bài dự thi của Phạm Thảo Phương có rất nhiều hình ảnh, câu chuyện của bản thân, gia đình, nhà trường về những việc làm, hành động tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hơn nữa, còn có những bài thơ ngắn do em tự sáng tác từ năm lớp 2 nói về công ơn của cha mẹ, thầy cô đưa vào bài dự thi như một minh chứng cho việc học và làm theo Bác của em. Một điều đặc biệt mang tính thuyết phục cao đó là hơn 1.300 chữ ký của học sinh Trường THCS Trần Phú thể hiện quyết tâm thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”. 

Thảo Phương chia sẻ: Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho cuộc thi, em luôn tâm niệm về lời dạy, lời căn dặn của Bác đó là “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chính vì thế, em đã trình bày ý kiến đề xuất với cô giáo chủ nhiệm lớp, Ban Giám hiệu nhà trường để vận động các bạn học sinh toàn trường ký quyết tâm ra sức thi đua phấn đấu thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” và lời nhắn gửi của Bác Hồ kính yêu. Đó cũng chính là nội dung phần việc mà em cảm thấy ý nghĩa nhất để em và các bạn góp phần nhỏ bé của mình thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Lan tỏa tình cảm, lòng kính yêu Người

Ông Phạm Đức Diệu, bố của Phạm Thảo Phương cho biết: Hiện tôi đang công tác tại Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh. Với tính chất công việc và tấm lòng thành kính Bác, ngay từ lúc con còn nhỏ, tôi đã thường xuyên kể cho con nghe những câu chuyện ngắn về Bác. Qua đó, con dần hiểu được tình yêu bao la, to lớn mà Người dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, từ đó ra sức học tập tốt, lao động tốt, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong quá trình con thực hiện tác phẩm, có nhiều điều khiến người làm cha làm mẹ không khỏi bất ngờ. Đó là sự trưởng thành trong suy nghĩ, trong hành động với những ý tưởng sáng tạo và vô cùng ý nghĩa từ việc sắp xếp bố cục tác phẩm cho đến lựa chọn những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. 

Bà Nguyễn Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú chia sẻ: Cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ thực sự là đợt sinh hoạt chính trị rất sâu rộng, mang tầm vóc quốc gia và ý nghĩa rất lớn, vừa là sân chơi bổ ích, thiết thực, vừa gắn chặt với mỗi bài học và cả cuộc sống của các em học sinh. Qua đó, giúp các em có những định hướng học tập đúng đắn, rèn luyện thật tốt, ý chí thật cao, quyết tâm, nỗ lực, sống có lý tưởng đẹp, có hoài bão và khát khao cống hiến. Sau cuộc thi, nhà trường sẽ in tác phẩm của em Phạm Thảo Phương để ở thư viện nhà trường và mỗi lớp học như một tư liệu quý giá giúp học sinh toàn trường tăng cường hiểu biết về tình yêu thương, sự quan tâm, chăm lo ân cần của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng; đồng thời thể hiện tình cảm kính trọng, biết ơn của các em đối với Bác.

Ông Phạm Đức Diệu, bố em Phạm Thảo Phương thường xuyên kể cho con các câu chuyện về Bác.

Không dừng lại ở cuộc thi, Phạm Thảo Phương mong muốn sẽ tích hợp thật nhiều những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tác phẩm của mình để lan tỏa đến mọi người, trước hết và bắt đầu ngay tại chính lớp học, ngôi trường thân yêu của em, trong gia đình và nơi mình sống. Chỉ khi những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mỗi thiếu nhi, mỗi cơ sở giáo dục và các tầng lớp nhân dân, khi ấy sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong.

                                                                                  Đặng Anh