Thứ 6, 22/11/2024, 11:54[GMT+7]

Khắc phục ảnh hưởng của mưa với lúa

Thứ 2, 20/05/2024 | 15:03:32
15,372 lượt xem
Hiện nay, lúa xuân đã cơ bản trỗ xong, diện tích trà sớm đang giai đoạn chín, một số diện tích chuẩn bị thu hoạch; đại trà đang giai đoạn vào sữa đến chắc xanh.

Diện tích lúa bị đổ ệp, sau khi tiêu bớt nước trong ruộng cần tiến hành dựng cây, buộc túm theo chiều nghiêng của cây lúa. (ảnh minh hoạ)

Ngày 19/5, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 30 – 50mm, nơi cao như xã Vũ Hòa (Kiến Xương) 88,8mm đã làm cho một số diện tích lúa xuân bị nghiêng, đổ, chủ yếu ở diện tích lúa trỗ cuối tháng 4.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương khẩn trương tiêu bớt nước trong ruộng, không tiêu cạn ngay mà nên duy trì một lớp nước nông để giữ cây lúa, đặc biệt diện tích lúa mới trỗ đến chắc xanh. Diện tích lúa bị đổ nghiêng nhẹ, cây có thể tự phục hồi. Diện tích lúa bị đổ ệp, sau khi tiêu bớt nước trong ruộng cần tiến hành dựng cây, buộc túm theo chiều nghiêng của cây lúa, tuyệt đối không dựng ngược lại hướng cây lúa đổ, sẽ làm gẫy gốc lúa, ảnh hưởng nhiều đến quá trình vào chắc của hạt. Cần thường xuyên kiểm tra rầy và bệnh khô vằn để chủ động phun trừ kịp thời.

Diện tích lúa chín từ 70% trở lên, nếu bị đổ ệp, sau khi tiêu thoát nước, trời tạnh ráo, nên khẩn trương thu hoạch và đưa thóc vào sấy ngay để hạn chế hạt thóc quá ẩm không phơi được làm giảm chất lượng gạo. Diện tích lúa bị đổ nhẹ hoặc không bị đổ nên thu hoạch khi chín từ 80 - 85% theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Diện tích lúa đang trỗ hoặc mới trỗ bông xong cần chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông với những giống lúa dễ nhiễm bệnh như BC15, TBR225, TBR1, nếp các loại,… và kết hợp phòng bệnh lem lép hạt với các giống lúa khác khi trời tạnh ráo.

Ngân Huyền