Thứ 6, 22/11/2024, 06:04[GMT+7]

Đấu thầu vàng miếng lần 9

Thứ 5, 23/05/2024 | 09:17:15
1,956 lượt xem
Từ ngày 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tổng cộng 8 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó 3 phiên phải hủy. Tổng lượng vàng trúng thầu là 35.100 lượng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào 9h30 ngày 23/5. Ảnh minh họa.

Theo Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng tiếp theo sẽ được tổ chức vào 9h30 hôm nay (ngày 23/5). Đây là phiên đấu thầu vàng thứ 9 trong năm nay. Tổng khối lượng vàng miếng vẫn dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng. Khối lượng 1 lô là 100 lượng. So với lần đấu thầu gần đây nhất (ngày 21/5), giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc cao hơn 300 nghìn đồng/lượng.

Tại lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước cho biết khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (4.000 lượng).

Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Để phù hợp với tình hình thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hợp lý khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa các thành viên được phép đặt thầu, giá tham chiếu đặt cọc. Nhờ vậy, kết quả tại các phiên sau số lượng đơn vị trúng thầu nhiều hơn những phiên đầu.

Trước đó, trong phiên đấu thầu vàng sáng 21/5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng. 9 thành viên đã trúng thầu 7.900 lượng vàng với mức giá 89,42 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn giá mua vào của các đơn vị kinh doanh trên thị trường 920.000 đồng/lượng, thấp hơn giá bán ra 1,05 - 1,08 triệu đồng/lượng.

Từ ngày 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tổng cộng 8 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó 3 phiên phải hủy. Tổng lượng vàng trúng thầu là 35.100 lượng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để ổn định thị trường vàng trong nước, bên cạnh việc tăng nguồn cung cho thị trường thông qua các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan này đã chủ động có văn bản gửi các Bộ: Công an, Công thương, Tài chính để triển khai thực hiện công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát,… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Đáng chú ý, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, nội dung thanh tra gồm: việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thời gian tới đây, trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tổng thể, toàn diện theo quy định và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng với mục tiêu xử lý dứt điểm tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị người dân thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.

Theo vtv.vn