Thứ 6, 02/05/2025, 11:14[GMT+7]

Lễ Vu lan và đạo hiếu

Thứ 2, 19/08/2013 | 10:11:01
1,162 lượt xem
Xưa nay, theo phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian thì trong tâm thức của người Việt là “cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng bảy”. Trong một năm có “tứ thời bát tiết” thì tiết rằm tháng bảy được gọi là Tết Trung Nguyên. Dân gian thường có câu: “Tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân”. Trong tín ngưỡng thờ cúng gia tiên, đa phần người Việt rất chú trọng việc cúng bái vào ngày rằm tháng bảy. Tục đốt vàng, đốt mã cũng thường được quan tâm vào dịp này.

Ảnh minh họa.

Về một góc nhìn nào đó, câu thành ngữ “phú quý sinh lễ nghĩa” ứng với tục đốt vàng, đốt mã đã được biểu hiện rất rõ mặt trái của nó theo vòng xoáy của cơ chế thị trường. Khá đông những gia đình có kinh tế khá giả chú trọng việc đốt vàng mã cho người thân đã quá cố và cho cả các đấng thần linh theo quan niệm “trần sao âm vậy”. Không ít gia đình kinh tế vốn còn đang eo hẹp nhưng vì mê muội nên cũng đã chạy theo tục đốt vàng, đốt mã dẫn đến mang công mắc nợ, lẽ ra không đáng có. 

 

Trong số kinh sách của đạo Phật có một quyển kinh mang tên Vu lan bồn mà người Việt ta thường gọi là kinh Vu lan. Vu lan bồn vốn là phiên âm chữ Hán, từ chữ Phạn là Ullambala (Ô lam bà noa). Hiểu một cách nôm na thì “bồn” là vật dụng đựng thức ăn. Vu lan bồn hay còn được gọi là Vu lan bồn hội hoặc Bồn hội vốn là thuật ngữ để chỉ cho nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân thuộc nhiều đời, được cử hành vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm căn cứ vào lời dạy trong kinh Vu lan bồn.

 

Theo kinh Vu lan bồn, đệ tử Phật là ngài Mục Liên dùng Thiên nhãn thông thấy thân mẫu bị đoạ vào đường quỷ đói, gầy ốm chỉ còn da bọc xương, ngày đêm khổ não liên tục. Thấy vậy, ngài Mục Liên dùng bát đựng cơm đưa đến dâng cho mẹ, nhưng do chịu quả báo của nghiệp ác nên cơm biến thành lửa. (Mẹ của Mục Liên là bà Thanh đế, lúc còn sống tham lam tiền của, tạo nhiều nghiệp ác, cho nên sau khi chết phải đọa vào đường quỷ đói, không được ăn uống). Ðể cứu mẹ thoát khỏi nghiệp khổ này, ngài Mục Liên bèn xin đức Phật chỉ dạy cách giải cứu. Phật liền dạy ngài Mục Liên vào ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tự tứ (ở Ấn Ðộ, chư tăng kết hạ an cư trong ba tháng, đến rằm tháng bảy là kết thúc), dùng thức ăn uống đựng trong bồn Vu lan cúng dường Tam Bảo sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ từ bảy đời.

 

Trong kinh Vu lan bồn có câu: “Là người đệ tử Phật tu hiếu thuận, phải thường nhớ cúng dường cha mẹ trong từng niệm, cho đến bảy đời, hàng năm vào ngày rằm tháng bảy thường đem tâm hiếu thuận nhớ đến cha mẹ đã sinh ra mình, cho đến bảy đời, lập Vu lan bồn cúng dường chư Phật và chúng tăng để báo đền ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ”.

 

Trong khá nhiều cuốn kinh của nhà Phật đã dẫn truyện về những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cổ đại của Ấn Ðộ từng đã theo gương Mục Liên làm lễ cúng dường cha mẹ vào ngày rằm tháng bảy. Kinh Ðại bổn tịnh độ đã nêu các tấm gương của vua Bình Sa, cư sĩ Tu Ðạt, phu nhân Mạt Lợi... đã theo phương pháp của Mục Liên, làm 500 bồn vàng đựng thức ăn dâng cúng Phật và chúng tăng để cầu diệt trừ tội nghiệp của cha mẹ bảy đời.

 

Như vậy là, tục dâng cúng thức ăn để báo đền ân đức cha mẹ, tổ tiên vào ngày rằm tháng bảy hàng năm ở nước ta vốn có cội nguồn từ kinh sách của nhà Phật. Mặt khác, vốn từ cổ xưa những đệ tử nhà Phật tu hành hiếu thuận đã lập Vu lan bồn cúng dường chư Phật và chúng tăng ở các chùa vào ngày rằm tháng bảy để báo đền ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, nhưng khi vào Việt Nam nó đã được tiếp nhận và tiếp biến để dung hòa với tín ngưỡng thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Theo truyền thống tín ngưỡng của người Việt, vào dịp rằm tháng bảy, ngoài nghi thức cầu siêu độ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên ở chùa của các Phật tử thì ở mỗi gia đình sự lệ thờ cúng gia tiên cũng được chú trọng. Ðó là một tín ngưỡng giàu tố chất nhân văn, giàu bản sắc dân tộc.

 

Lại cũng phải thấy rằng, trong các kinh sách của nhà Phật không thấy có quyển nào nói đến việc phải đốt vàng, đốt mã vào ngày rằm tháng bảy để báo đền công ơn cha mẹ, tổ tiên. Thế nhưng chưa rõ từ bao giờ, theo tín ngưỡng của người Việt, cứ vào dịp rằm tháng bảy lại có tục đốt vàng, mã cho người thân đã quá cố.

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày