Thứ 7, 27/04/2024, 02:36[GMT+7]

Tết xưa

Thứ 2, 02/02/2015 | 09:47:27
1,094 lượt xem
Vậy là một năm nữa lại trôi qua, một cái tết lại sắp về. Có lẽ bất cứ ai cũng cảm thấy được không khí tết tưng bừng. Bọn trẻ con trong xóm lại được dịp tụ tập, vui chơi với nhau, thả ga ăn uống nào mứt, nào kẹo, rồi cùng xúng xính những quần, những áo mới sặc sỡ. Người lớn thì chuẩn bị đến chúc tết ông bà, người thân và bạn bè. Tết là thời khắc gia đình sum họp quây quần, hạnh phúc. Chính vì thế mà mọi người đều chờ đợi, hào hứng, phấn khởi, tươi vui để chào đón tết. Nhưng không biết c

 

Bố tôi đã từng kể cho tôi rằng, ngày ông còn nhỏ, cứ mỗi dịp xuân về là chợ làng lại đông vui tấp nập. Hồi ấy còn ít bán bánh chưng gói sẵn, bà nội đi chợ chỉ mua thịt mỡ với ít đỗ xanh, về lấy lá dong gói cùng với gạo nếp, luộc lên là được mấy cái bánh chưng thơm ngậy. Qua đêm 30, lũ trẻ thay nhau khoe xem đứa nào được phân công canh nồi bánh chưng, rồi mừng tuổi nhau mấy cái kẹo lạc. Còn bố mẹ chúng biếu nhau vài khoanh giò tự làm, hay nhà ai khá giả thì có con gà béo múp để đi tết thầy đồ. Tất nhiên là không thể thiếu chợ hoa xuân với đủ loại hoa rực rỡ, tỏa sắc hương và những nhánh cây cứng cáp, tràn trề nhựa sống. Nhưng năm nào ông nội cũng chưng một cành đào nhỏ cắt trong vườn nhà, một khóm hoa thủy tiên cắm trong một chiếc bình bà mua trong phiên chợ tết. Cái tết trong tuổi thơ của bố có sự ấm áp, êm đềm của tình cảm gia đình, của ngọn lửa nhỏ tỏa ra từ bếp than hồng nhưng cũng mang nặng nỗi lo toan về một năm sắp tới, những vấn đề cơm áo gạo tiền...

 

 Còn với mẹ, tết là được theo bà ngoại đi chợ phiên, thích thú khi được ngắm hoa, xem những mặt hàng đẹp như vòng tay, hoa tai, quần áo mới, được “no mắt” bởi nào giò, nào chả, nào gà, vịt, lại có đủ loại bánh kẹo ngon. Tuy những thứ đó không được ngon như bây giờ nhưng với những đứa trẻ quê thời đó, được nếm thử dù chỉ là một viên kẹo đường cũng đã là một niềm vui sướng lớn. Còn thích thú hơn nữa khi mẹ được xem những ông đồ viết những nét thư pháp rồng múa phượng bay. Nhắc đến ông đồ, tôi lại nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên:

 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

 

Tôi luôn tự nhủ, sẽ thú vị biết bao nếu tôi được một lần xem ông đồ - với áo  the khăn xếp, với giấy, mực, nghiên thật sự - viết nên những câu đối đỏ đem lại may mắn đầu xuân. Tết của mẹ tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại vô cùng ấm áp.

 

Còn trong ký ức của tôi, với 13 cái tết mà tôi đã trải qua, tôi cảm thấy thật hạnh phúc và sung sướng hơn so với bố mẹ, ông bà tôi nhiều. Tôi được mẹ sắm quần áo mới, được tha hồ ăn kẹo bánh, nước ngọt, lại có nhiều tiền mừng tuổi lấy may, mà thích nhất là được đi chơi xuân, đi hái lộc đầu năm. Tết của tôi còn là những ý tưởng thật kỳ lạ và ngốc nghếch khiến cho ông bà tôi phải bật cười. Những bức tranh cố gắng vẽ thật đẹp để dán lên tường phòng khách, những chiếc ví tự làm dán băng dính chi chít với những nét màu vẽ nguệch ngoạc, những chùm hoa tự cắt treo trên những cành đào, cành quất cho thêm phần “sáng tạo”, hay những tấm thiệp viết thật nắn nót để gửi tặng cho những người mà tôi yêu quý nhất. Tất cả đều là những cái tết thật đẹp và tuyệt vời của tôi.

 

Tết của bố, của mẹ hay của tôi, tuy có nhiều điểm khác nhau nhưng đều tràn đầy những tình cảm yêu thương và sự quây quần của gia đình. Tết này, bao nhiêu người có được những điều ấy, những hạnh phúc tuy giản dị nhưng chẳng hề nhỏ bé. Riêng tôi, tôi đã sẵn sàng để đón một cái tết ấm áp, êm đềm bên gia đình yêu dấu của mình.

 

Phan Vũ Anh Thư

Câu lạc bộ Phóng viên Tuổi hồng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày