Nhà văn Lê Bính - Khúc bi tráng hát dọc đồng bằng
Nhà văn Lê Bính (trái) và con trai Lê Quý Đức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Những ngày cuối năm Ất Mùi, trời sập sùi đổ mưa. Cái rét như cắt da, cắt thịt bình thường đã làm cho người ta cảm giác khó chịu, tê buốt. Vậy mà Lê Bính vừa phải oằn mình chống chọi với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối vừa phải nghiến răng chịu đựng giá rét, duy chỉ có đôi mắt vẫn đau đáu, xa xăm như dõi tìm hình bóng thân quen thuở nào cùng với khát khao được rong ruổi khắp nơi dọc ngang bốn cõi để thỏa chí tang bồng cùng những hình tượng văn học - nghệ thuật mà anh yêu thích.
Tôi đến thăm anh khi anh đang nằm điều trị căn bệnh quái ác tại Khoa Nội - Tiêu hóa thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh nhận ra tôi và đưa tay nắm tay tôi, bàn tay ấm áp ngày nào giờ gầy guộc, cằn khô, lạnh giá. Tôi cảm nhận dòng nhựa sống của cây đại thụ đang cạn dần. Anh nói nhỏ với tôi, nhưng đủ nghe và rõ nghĩa, đôi khi đứt đoạn bởi nấc nghẹn vì cơn đau quặn xé, nước mắt anh trào ra, đặc quánh. Anh kể cho tôi nghe về những ngày tháng lặn lội khắp các miền quê thuộc 11 tỉnh, thành phố nơi mà lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương và giai cấp cần lao từng sinh sống và hoạt động cách mạng. Để có tiền đi tìm, sưu tầm và có lúc phải mua lại những tài liệu về người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy, anh đã phải cắt bán bảy chục mét vuông đất đang ở. Đổi lại, năm tháng vất vả lặn lội ngược xuôi, anh mang về hai va-li tài liệu, hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động của Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Vui là thế, nhưng không phải cứ tìm được tài liệu, hiện vật là xong, còn phải đọc, viết, biên tập, hệ thống thành công trình nghiên cứu. Những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua như thời điểm thuyết trình bảo vệ trước hội đồng khoa học về tập sách "Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh". Nhiều ý kiến không đồng thuận, nhưng cuối cùng đều thừa nhận lý lẽ đầy tính thuyết phục của anh về người con ưu tú của quê hương. Tập sách được duyệt, cấp phép xuất bản trang trọng. Bao nhiêu tiền chắt chiu được, anh dành để in sách hết. Sách vừa in xong, bìa cứng đẹp, anh mang ngay về thắp hương Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh ở Diêm Điền. Tại đây, anh đã khóc. Anh bảo, nỗi mừng vui khôn xiết, bởi lẽ, đây là sách tài liệu để các thế hệ tiếp nối hiểu về truyền thống đấu tranh bất khuất bảo vệ non sông, giống nòi, quê hương, trong đó, Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là ngôi sao luôn tỏa sáng.
Nhớ lại ngày về nhận công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, anh kể, anh được giao giữ chức Trưởng ban văn học thiếu nhi, công việc chủ yếu làm chủ nhiệm lớp bồi dưỡng văn học cho thanh, thiếu nhi. Anh lặn lội đi các trường phổ thông cơ sở (Trung học cơ sở ngày nay) trong tỉnh tìm và chọn các em học sinh giỏi văn về mở lớp bồi dưỡng. Rồi anh lặn lội lên Hà Nội tìm thầy giỏi cho các em. Nhà văn Tô Hoài, Phong Thu, Phạm Hổ, Ngô Viết Dinh… và nhiều thầy giỏi khác đã về Thái Bình giảng dạy cho các em. Với kinh nghiệm của anh, anh dạy cho các em thế nào là tư tưởng chủ đề, thế nào là cấu tứ, thế nào là cốt truyện, kết cấu truyện… Gần 40 năm công tác, anh mở lớp đào tạo được khá đông lứa các em là "Búp trên cành" trưởng thành, có nhiều người đã là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; có người đang giữ trọng trách quan trọng trong các bộ, ngành... Từ tập hợp lớp để bồi dưỡng tài năng trẻ, anh chuyển sang sáng tác văn học cho các em. Cứ chắt chiu, chọn lựa để rồi tuyển tập "Búp trên cành" ra đời, "Chuyện ông Đại tá" cũng được xuất bản và nhiều tập thơ khác nữa đã đưa Lê Bính trở thành nhà văn có tên tuổi của cả nước…
Những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sau bao năm thai nghén trường ca "Hát dọc đồng bằng", cuốn sách đã được xuất bản. Trường ca là bản anh hùng ca ca ngợi cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ độc lập dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm của quân và dân các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thái Bình. Trường ca "Hát dọc đồng bằng" đã được báo Quân đội nhân dân đăng tải ngay. "Hát dọc đồng bằng" cũng đã tạo lên thương hiệu độc đáo cho nhà văn Lê Bính trong làng văn Việt Nam.
Gần 40 năm cống hiến cho văn học - nghệ thuật, về với đời thường những tưởng được thảnh thơi làm nghiệp văn chương, bốc thuốc cứu người, ai dè căn bệnh ung thư quái ác lại hành hạ anh. Gác bút nghiên, bỏ lại nghề thuốc, anh đang phải từng ngày, từng giờ giành giật sự sống từ tay tử thần. Trong phòng điều trị, anh đang được các y, bác sĩ Khoa Nội - Tiêu hóa tận tình chăm sóc, nhưng anh vẫn phải chịu đựng những cơn đau như ngàn mũi kim đâm nát nội tạng, véo xé da thịt. Đau là thế nhưng hễ nói đến văn học - nghệ thuật, nói đến làm thuốc cứu người là ánh mắt anh lại sáng lên. Tôi hiểu nỗi khao khát ấy, anh nói với tôi, anh ao ước được khỏe lại, anh sẽ dành hết thời gian, tâm sức đi nốt quãng đường đời gắn nghiệp văn, nghiệp làm thuốc đông y chữa bệnh cứu người. Và, nếu còn thời gian, anh sẽ hoàn thành cuốn sách về dự đoán thiên văn học trong thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà văn Đức Hậu, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình | Nói một câu nhận xét về nhà văn Lê Bính, tôi phải nói luôn đây là người có cá tính làm việc say mê, đã say mê cái gì thì dẫu có phải hy sinh, thiệt thòi anh vẫn làm. Say mê công việc, say mê viết và không thể phủ nhận sức làm việc và tính sáng tạo vượt bậc của anh. Đôi khi, nhắc đến sáng tạo, tôi phải dùng đến từ "sáng tạo thái quá" để chỉ cái đam mê sáng tạo của anh. Là nhà văn trưởng thành từ cơ sở, anh đã sớm khẳng định năng lực sáng tạo đa dạng từ văn học, thơ ca, kịch, nhạc…và ở anh luôn toát lên nghị lực, nghị lực phi thường.
|
Ông Đặng Đình Hùng, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam | Lê Bính là nhà văn đa tài, luôn sáng tạo trong công việc. Lúc anh làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, anh biết cách tập hợp người viết. Anh viết ký rất nhanh, trí nhớ tốt và rất tế nhị trong xử lý công việc. Anh thường hay giúp đỡ người gặp khó khăn, biết cách sẻ chia, nhất là kinh nghiệm cuộc sống, nghề nghiệp. |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình | Được làm việc nhiều lần cùng ông, cảm nhận ông là nhà văn của công chúng. Đặc biệt, mảng văn học thiếu nhi như "Búp trên cành" và nhiều tác phẩm khác ông viết rất thành công. Ngoài văn chương, ông am hiểu nhiều lĩnh vực khác liên quan đến con người và tâm linh. Ông sống chân tình, cởi mở, có nghĩa, có tình, thương người và hay giúp đỡ người yếu thế. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Phật tử khắp nơi đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm cung rước Xá lợi Đức Phật 14.05.2025 | 08:28 AM
- Làng quê thu nhỏ qua từng góc tiểu cảnh 25.03.2025 | 15:07 PM
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì? 07.02.2025 | 08:43 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị