Thứ 5, 26/12/2024, 17:45[GMT+7]

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô

Thứ 3, 28/05/2024 | 16:59:13
831 lượt xem
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp chiều 28/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Không tổ chức HĐND cấp phường thuộc Hà Nội

Chiều 28/5, trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô, không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

Về mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội xác định trong dự thảo được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; theo đó, không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (Điều 9 và Điều 11), trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố nhằm bảo đảm để chính quyền các cấp của thành phố đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 28/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Đối với các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, dự thảo được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định; giao UBND thành phố quy định việc điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức và vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; giao HĐND thành phố quy định cụ thể tiêu chí thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố; trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thì phải bảo đảm tổng số cơ quan không vượt quá 15% (đối với cấp thành phố) và 10% (đối với cấp quận, huyện) so với khung số lượng do Chính phủ quy định (khoản 4 Điều 9).

Cho phép HĐND thành phố Hà Nội xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời, thực hiện chế độ cán bộ, công chức thống nhất ở cả cấp xã, cấp huyện và thành phố; cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc (Điều 9 và Điều 35)…

Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp chiều 28/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao hơn cho thành phố Hà Nội so với các địa phương khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định rõ các chính sách đặc thù cần được áp dụng, quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan và trình tự, thủ tục thực hiện để vừa thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố vừa có cơ chế để tổ chức thực hiện và kiểm soát việc thực thi.

Trong đó, cho phép UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố.

Phân quyền cho UBND thành phố được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18).

Quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn thành phố, yêu cầu đối với việc phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm và giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.

Mở rộng các lĩnh vực mà HĐND Thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn thành phố, không phân biệt nội thành, ngoại thành (khoản 1 Điều 33).

Bổ sung một số thẩm quyền cho HĐND, UBND thành phố trong việc quyết định và triển khai thực hiện một số giải pháp về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông thôn và cải tạo, chỉnh trang đô thị…

Báo cáo cũng tiếp thu ý kiến đại biểu liên quan đến tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô. Theo đó, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.

Cụ thể là bổ sung, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho thành phố Hà Nội như được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp, trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn 120% thì UBND thành phố báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định; ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố; bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố toàn bộ số tăng thu (sau khi trích thưởng) với điều kiện ngân sách trung ương không hụt thu; cho giữ lại toàn bộ phần ngân sách trung ương được hưởng theo tỷ lệ phân chia khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội (Điều 34),...

Phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách thành phố cao hơn hoặc chưa có trong quy định của cơ quan nhà nước cấp trên (điểm e khoản 1 Điều 35).

Xác định rõ một số chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn, giảm tiền thuê đất, thủ tục hải quan, phát triển nhân lực đối với một số dự án đầu tư, nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực (Điều 43)…

Về liên kết, phát triển vùng, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và từ thực tiễn triển khai các quy định về phát triển vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng thiết kế có 1 chương riêng về liên kết, phát triển vùng, trong đó thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước (Điều 44).

Đồng thời, xác định các chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô (khoản 1 Điều 45).

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày