Chủ nhật, 24/11/2024, 10:20[GMT+7]

Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức

Thứ 6, 31/05/2024 | 09:00:59
2,099 lượt xem
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ người hút thuốc, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, tại một số nơi công cộng, nơi đông người, thậm chí là bệnh viện, tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này cho thấy vấn đề cốt lõi trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) là phải nâng cao nhận thức, bắt đầu từ sự thay đổi trong ý thức của người dân.

Bệnh nhân V.Đ.Đ đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Thái Bình.

Hút thuốc liên tục - nguyên nhân chính khiến nhiều người nhập viện

Bệnh nhân V.Đ.Đ, xã Tiến Đức (Hưng Hà) đến khám tại Bệnh viện Phổi Thái Bình sau khi có dấu hiệu ho nhiều, sốt, sút cân. Qua thăm khám, chụp X.quang và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao. 

Bệnh nhân V.Đ.Đ chia sẻ: Ở nhà tôi không ăn uống được, thường xuyên mệt mỏi. Thời gian rảnh tôi thường xuyên hút thuốc lào, mỗi ngày hút khoảng 10 lần, hút đã hơn 30 năm nay. Đến viện khám, các bác sĩ chẩn đoán mắc lao. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nặng là do hút thuốc lào nhiều năm nay. Tôi cũng không ngờ việc hút thuốc lại ảnh hưởng đến sức khỏe nặng nề như vậy. Tôi đã quyết tâm bỏ thuốc nhưng cũng hơi muộn.

Cùng buồng bệnh với bệnh nhân V.Đ.Đ là bệnh nhân N.N.H, dù mới hơn 50 tuổi song bệnh nhân thở khò khè, rất khó khăn, đã được chẩn đoán mắc lao. Bệnh nhân chia sẻ, từ khi làm thợ mộc đã hút thuốc. Việc hút thuốc lá, thuốc lào diễn ra khoảng 30 năm. Sau khi mắc bệnh, ý thức được hậu quả của việc hút thuốc, bệnh nhân đã tuyên truyền mọi người dừng hút thuốc lá, thuốc lào.

Không chỉ góp phần khiến số người mắc bệnh lao phổi tăng, hút thuốc lá, thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Bệnh nhân Q.V.D, xã Phong Châu (Đông Hưng) được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu bị suy hô hấp, khó thở. Qua khai thác tiền sử bệnh tật, bệnh nhân cho biết đã hút thuốc lá nhiều năm, hút cả thuốc lá và thuốc lào.

Bác sĩ Nguyễn Công Hoan, Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện Phổi Thái Bình chia sẻ: Lượng bệnh nhân điều trị tại Khoa hơn 30 bệnh nhân/ngày, trong số đó, tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào chiếm hơn 50%. Các bệnh thường gặp như lao phổi âm tính, viêm phổi, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính..., trong đó hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân chính gây bệnh. Việc hút thuốc nhiều năm, liên tục khiến phổi tăng tiết, xung huyết phế quản dẫn đến co thắt phế quản, khó thở. Nếu phát hiện, điều trị sớm thì bệnh nhẹ chỉ khi gắng sức hoặc thay đổi thời tiết mới khó thở còn để lâu sẽ nặng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.  

Những hậu quả về tác hại của việc hút thuốc đã được cảnh báo thường xuyên. Tuy nhiên, phớt lờ những cảnh báo về tác hại của thuốc lá với sức khỏe, nhiều người vẫn hút thuốc như một thói quen khó bỏ và chưa nói “không” với việc hút thuốc.

Những nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá

Với những nỗ lực trong công tác PCTHCTL từ trung ương đến địa phương, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành và thanh thiếu niên đã giảm. Cụ thể, ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở nhóm 13 - 15 tuổi đã giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc. Những thông tin từ Bộ Y tế cho thấy đây là kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTHCTL. 

Tại Thái Bình, những năm qua, hoạt động về PCTHCTL cũng đã được triển khai ở hầu hết các địa phương, đơn vị. Nhờ đó, công tác PCTHCTL đã có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCTHCTL tỉnh, qua kết quả của các đợt kiểm tra giám sát cho thấy, tính đến tháng 12/2023, có 76/84 cơ quan, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo PCTHCTL. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào nội quy chung của đơn vị. 100% các đơn vị ngành y tế đã ký cam kết xây dựng “Môi trường không khói thuốc”. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được nâng lên rõ rệt, nhất là trong cán bộ, công chức, viên chức.  Năm 2023, Thái Bình đã xây dựng được mô hình điểm về PCTHCTL, nhân rộng thêm được 8 bệnh viện, 20 trường học.

Thực hiện “Chiến lược quốc gia về PCTHCTL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, Thái Bình đề ra mục tiêu: Giai đoạn 2023 - 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại các nhà hàng xuống dưới 75%... Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%...

Mục tiêu đã đề ra, các biện pháp PCTHCTL đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để công tác PCTHCTL đạt hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là sự thay đổi từ ý thức đến hành động của người dân. Nói không với thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá như trường học, bệnh viện, nơi làm việc, trên các phương tiện giao thông công cộng... là mỗi người đã bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân và những người xung quanh, góp phần làm nên một xã hội khỏe mạnh với môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Thái Bình điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do hút thuốc lá nhiều năm.

Hoàng Lanh