Thứ 5, 27/06/2024, 03:35[GMT+7]

Đánh giá đúng tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để hoàn thành kế hoạch năm 2024

Thứ 7, 01/06/2024 | 09:41:03
1,013 lượt xem
Sáng 1/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 nhằm thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhìn chung tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có 3 điểm đáng lưu ý: cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo thang (Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza); giá đô-la Mỹ, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; chính sách tiền tệ ở nhiều nước chưa rõ xu hướng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino, dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số nước, khu vực.

Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng các thị trường lớn của Việt Nam vẫn còn khó khăn. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể gây tác động lớn đến trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. 

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 4; tính chung 5 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 4; tính chung 5 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. 


Điểm sáng nổi bật là công tác chỉ đạo điều hành về cơ bản chủ động, linh hoạt, phù hợp, quyết liệt, sát thực tiễn. Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong đó, chủ động các phương án, bảo đảm cung cấp điện trong dịp nắng nóng (điện tiêu thụ đạt kỷ lục trên 1 tỷ kW/ngày); thúc đẩy quyết liệt các dự án hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng như Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng thể chế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống nhân dân được cải thiện; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như sức ép lạm phát, tỷ giá còn cao; thị trường bất động sản, tiếp cận tín dụng khó khăn; phản ứng chính sách ở một số nơi chưa kịp thời; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; tình hình ngộ độc thực phẩm, cháy nổ, tội phạm diễn biến phức tạp…

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận với tinh thần phản ánh đúng tình hình, đúng bản chất, đúng đúng kết quả, tạo khí thế mới, động lực mới, tạo thắng lợi mới.

Trên tinh thần đó Thủ tướng gợi ý một số nội dung: cần xác định rõ đâu là những mặt đã làm được, đâu là mặt chưa được, nguyên nhân vì sao? Rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành của Chính phủ là như thế nào? Đánh giá, nhận định về tình hình tháng 6 và và những tháng cuối năm có gì đáng lưu ý, có gì cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là nhiệm vụ đề ra cho tháng 6 và những tháng tới đây để góp phần thực hiện được mục tiêu đã đề ra cho năm 2024? Cần những cơ chế, chính sách, giải pháp gì để tập trung vào lĩnh vực nào? Phải chăng là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, hay các chính sách khác, hay tập trung tháo gỡ về khó khăn về cơ chế: cơ chế nào, ở đâu, ai cần phải tháo gỡ? Kiến nghị cụ thể về phạm vi, mức độ, thời gian cần hoàn thành. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu làm rõ, đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, yếu kém mà các đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 7 này…

Quang cảnh phiên họp. 

* Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 3,9% so tháng trước và tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2024 tăng 1,0% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,2% so cùng thời điểm năm trước.

Trong tháng 5, cả nước có hơn 13.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,7% so tháng trước và tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 18,8% so với tháng trước và tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2023; 5.303 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 30,4% và giảm 1,1%; 4.550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,3% và giảm 3,5%; 1.538 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,4% và tăng 25,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp, tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 11,07 tỷ USD, tăng 2 % so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 150,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 12,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%).

Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước. 


Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so tháng trước và tăng 15,8% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so tháng trước và tăng 29,9% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD)…

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày