Thứ 5, 26/12/2024, 18:36[GMT+7]

Cần thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh

Thứ 4, 12/06/2024 | 17:09:57
24,269 lượt xem
Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thương trực UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Công Thương về phát triển thương mại, dịch vụ và cụm công nghiệp (CCN), sáng ngày 12/6. Dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Những năm qua, hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, mạng lưới của hàng xăng dầu được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, tiểu thương và mua sắm tiêu dùng của người dân. Công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử có nhiều khởi sắc. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt hơn 69.000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022; 5 tháng đầu năm 2024 đạt 32.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 2.604 triệu USD, tăng 6,1% so với năm 2022; 5 tháng đầu năm đạt 1.046 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo tại buổi làm việc.

Về phát triển CCN, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch và phương án phát triển CCN, theo đó đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 67 CCN. Hiện toàn tỉnh có 49 CCN đã được thành lập với tổng diện tích 2.722ha. Các CCN đã thu hút được 493 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 36.103 tỷ đồng, tăng 1,43 lần so với năm 2022, sử dụng 60.802 lao động. Sở Công Thương đánh giá, thương mại, dịch vụ và quản lý CCN còn gặp nhiều khó khăn nên phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đồng thời đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển trong thời gian tới.

Đại diện một số sở, ngành, địa phương thảo luận tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung phân tích lãm rõ những thuận lợi, nhất là những điểm nghẽn khiến cho hoạt động thương mại, dịch vụ chậm phát triển, khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, quản lý hạ tầng kỹ thuật CCN và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Sở Công Thương cần bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xác định rõ tầm nhìn, triết lý phát triển, có giải pháp cụ thể phấn đấu mục tiêu tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ giai đoạn 2025 – 2030 đạt 22%/năm. Lấy phát triển cảng biển, hệ thống dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Sở Công Thương cần làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, chuỗi cung ứng hàng hóa. Nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyến thống với thương mại hiện đại, phát triển thương mại điện tử… Thực hiện tốt đề án phát triển thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh xuất khẩu, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển đầy đủ các ngành dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế. Nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng hạ tầng thương mại và hạ tầng CCN. Sớm cụ thể hóa quy hoạch về phát triển các trung tâm logistics và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này... Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác đầu tư hạ tầng, quản lý CCN theo quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả, bảo vệ môi trường. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào các CCN, thu hút những dự án có chất lượng, quy mô lớn đầu tư vào CCN góp phần tích cực đưa kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh phát triển trong những năm tới.

          Khắc Duẩn