Thứ 3, 25/06/2024, 12:47[GMT+7]

Thanh niên Thụy Phong: Vươn lên làm giàu

Thứ 5, 13/06/2024 | 09:27:20
7,228 lượt xem
Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ và tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên xã Thụy Phong (Thái Thụy) thi đua phát triển kinh tế với nhiều cách làm hay, xây dựng nhiều mô hình mới hiệu quả cao, vươn lên làm giàu.

Cơ sở may gia công của anh Đặng Chí Linh, thôn 2 Đồng Hòa, xã Thụy Phong tạo việc làm cho 30 lao động.

Năm 2017, bỏ công việc ở một công ty dược trên Hà Nội, anh Vũ Văn Trung về quê lập nghiệp tại thôn 2 Phong Lẫm, xã Thụy Phong. Ban đầu anh bán thức ăn chăn nuôi nhưng không được như mong muốn. Sau 3 tháng, anh chuyển sang bán nhôm với hình thức đại lý phân phối. Anh Trung nhận định: Nhôm trở thành vật liệu xu hướng khi được nhiều khách hàng lựa chọn. Trong khi đó ở vùng nông thôn, số lượng người mở đại lý nhôm độc quyền chính hãng chưa có nhưng nhu cầu sử dụng của người dân khá cao. Bởi vậy, tôi dốc hết vốn rồi vay mượn để mở đại lý. 

Công ty chuyên cung cấp nhôm của anh Vũ Văn Trung (người ngoài cùng bên phải) có lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.

Đối mặt với những khó khăn về vốn, mặt bằng mở kho, mô hình quản lý, nhân sự, thị trường biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Trung chèo lái Công ty TNHH Thương mại Vinh Lợi từng bước có chỗ đứng vững trên thị trường. Hiện Công ty phân phối nhiều loại nhôm khác nhau cho các đại lý khắp các tỉnh phía Bắc. Công ty có nhà kho 2.000m2, vốn lưu động khoảng 25 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/ người/tháng. 

Cách đây 3 năm, sau khi lập gia đình, anh Đặng Chí Linh, thôn 2 Đồng Hòa, xã Thụy Phong mở cơ sở may gia công. Dù thành lập trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng cơ sở vẫn tạo việc làm cho 30 lao động, hiện nay thu nhập trung bình 8 - 9 triệu đồng/ người/tháng, một số công nhân thường xuyên tăng ca có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Hải, thôn Bái Thượng, xã Dương Phúc (Thái Thụy) cho biết: Tôi làm việc ở cơ sở may của anh Linh 3 năm rồi, nghề may tuy đòi hỏi tỉ mỉ nhưng công việc nhẹ nhàng, làm việc trong nhà nên không vất vả. Xưởng may công việc cũng nhiều, bảo đảm thu nhập cho công nhân. Thu nhập hàng tháng của tôi trên 10 triệu đồng. 

Bên cạnh cơ sở may, trên diện tích 8ha ruộng đã được gia đình đấu thầu, anh Linh cải tạo làm mô hình trang trại, phân thành các khu nuôi bò, thả cá, nuôi gà, ươm cây hồng Đà Lạt, trồng cây ăn quả... Anh Linh cho biết: Khi xây dựng mô hình trang trại, gia đình cũng phản đối vì đã có xưởng may rồi, tập trung phát triển thôi, nhưng tôi vẫn quyết tâm biến vùng đất cấy lúa kém hiệu quả thành trang trại, hướng tới xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm. Để thành công còn phải trải qua nhiều công đoạn khác nữa. Tuy vậy, tôi tin rằng với quyết tâm của bản thân, sự đồng hành của gia đình và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tôi sẽ từng bước thành công trên con đường khởi nghiệp. 

Anh Đặng Văn Tuấn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thụy Phong cho biết: Để giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương; nhận ủy thác hơn 1,13 tỷ đồng nguồn vốn vay ưu đãi của quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn cho thanh niên phát triển kinh tế, chủ động tìm việc làm phù hợp... Thông qua các hoạt động trên đã góp phần giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập tại quê hương. Đến nay, toàn xã có 12 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, chủ yếu tập trung vào kinh doanh, làm đồ thủ công xuất khẩu, may gia công, làm trang trại. Mỗi thanh niên một cách làm nhưng đều chung mục đích: nâng cao thu nhập, đời sống cho gia đình, tạo việc làm cho người dân địa phương. Đời sống được nâng lên, đoàn viên, thanh niên ở Thụy Phong có thêm điều kiện để tích cực tham gia các hoạt động do các cấp bộ đoàn, hội và địa phương phát động. 

Cũng theo anh Đặng Văn Tuấn, trong thời gian tới Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên xã Thụy Phong sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ, tư vấn về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, điển hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Cùng với đó là vận động thanh niên chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, để thanh niên xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội.

Xuân Phương