Thứ 6, 22/11/2024, 00:27[GMT+7]

Chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 Tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác mặt trận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh

Thứ 5, 13/06/2024 | 10:02:40
5,182 lượt xem
Nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thành phố Thái Bình.

Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tổ chức sôi nổi hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. MTTQ có nhiều cách làm sinh động, sáng tạo nhằm đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên trong mỗi cơ quan, tổ chức và trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, MTTQ các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình đoàn viên, hội viên và nhân dân để kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. 

Đồng chí Vũ Thanh Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao quà cho người nghèo trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dịp kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18/11 hàng năm, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hoạt động ý nghĩa như: vận động xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, biểu dương, khen thưởng các gia đình, dòng họ văn hóa tiêu biểu, trao nhà đại đoàn kết, tặng quà hộ nghèo, tổ chức bữa cơm đại đoàn kết, liên hoan văn nghệ quần chúng. Qua đó đã động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của cộng đồng; đồng thời, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với nhân dân. 

Công tác vận động, tập hợp đồng bào các tôn giáo được MTTQ các cấp tăng cường, đặc biệt thông qua hai phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” và “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”. Các tín đồ Phật tử, đồng bào Công giáo đã đoàn kết phát huy truyền thống yêu nước và giá trị tốt đẹp của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển quê hương. 5 năm qua, có trên 2.700 lượt chùa được công nhận “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, trên 1.350 lượt xứ, họ đạo được công nhận “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”, 243 chùa, 145 xứ, họ đạo đạt danh hiệu gương mẫu 5 năm liền. 

Nhiệm kỳ qua, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được MTTQ các cấp triển khai sâu rộng, ngày càng đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; đồng thời triển khai hiệu quả việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao tại các địa phương. Nhờ đó đã vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh với nhiều mô hình, cách làm hay, phù hợp. Kết quả đến nay Thái Bình có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 13,73% số xã trong tỉnh; đồng thời, tiến hành thẩm định và hoàn thiện các thủ tục để xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 cho 9 xã. Toàn tỉnh đã xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động của trên 2.100 mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; trên 2.900 mô hình “Dòng họ không tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội” và gần 300 mô hình “Xứ, họ đạo không tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội”. MTTQ các cấp đã phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường tổ chức trên 1.630 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng, duy trì hoạt động của trên 750 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, 2.060 tổ tự quản môi trường và 8 mô hình điểm tại các cơ sở tôn giáo, 3 mô hình điểm tại các hạ trường của đạo Phật về tham gia bảo vệ môi trường. 

Trong công tác chăm lo, giúp đỡ người nghèo, MTTQ đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã vận động được trên 45,7 tỷ đồng vào quỹ “Vì người nghèo”, trên 100 tỷ đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội. Từ nguồn quỹ vận động được, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, sự trợ giúp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, MTTQ các cấp đã triển khai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 1.040 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; xây dựng hàng chục công trình phúc lợi; giúp đỡ trên 11.000 lượt người nghèo có tư liệu sản xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Trong dịp tết Nguyên đán hàng năm bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tặng quà tết. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, qua 3 đợt vận động ủng hộ, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động bằng tiền trên 43 tỷ đồng và bằng hiện vật quy ra tiền trên 16 tỷ đồng, góp phần huy động hiệu quả nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ra lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ kinh phí trên 17,3 tỷ đồng và hiện vật trên 1,6 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra. 

Công tác giám sát, phản biện xã hội của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, thực hiện ngày càng nền nếp, bài bản, chất lượng từng bước được nâng cao. Hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được duy trì và có chiều sâu. MTTQ các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Nội dung, phương thức phối hợp giữa các thành viên trong mặt trận được đổi mới; vai trò chủ trì hiệp thương thống nhất hành động của mặt trận được nâng cao; công tác phối hợp giữa mặt trận với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể được chú trọng, ngày càng thực chất, hiệu quả. 

Trong 5 năm tới, tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều cơ hội và thách thức, nhiều vấn đề xã hội sẽ phát sinh. Vì vậy, đòi hỏi MTTQ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng tổ chức mặt trận thực sự là nòng cốt, tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục tập hợp rộng rãi các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, góp phần tạo nên những chuyển biến mới trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và MTTQ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Từ đó phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. 

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, nhiệm kỳ 2024 - 2029, MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai 6 nội dung chương trình hành động, tập trung vào một số giải pháp sau: 

Một là, tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường các biện pháp nắm tình hình nhân dân, dư luận xã hội để tập hợp, phản ánh với cấp ủy, chính quyền; theo dõi, giám sát và đôn đốc việc xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. 

Hai là, tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị và tâm tư, nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền. Phát huy hiệu quả vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chủ động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Vận động nhân dân tích cực tham gia phản ánh, tố giác, đấu tranh với các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên. 

Ba là, vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo”; các phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”. 

Bốn là, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ mặt trận, đoàn thể, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, ban công tác mặt trận ở khu dân cư. 

Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp, hướng mạnh về cơ sở, nhất là khu dân cư; xây dựng các khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ, địa phương và đất nước.

Đồng chí Vũ Thanh Vân

(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh)