Thứ 4, 15/01/2025, 12:50[GMT+7]

Cân nhắc thời gian áp dụng việc điều chỉnh vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ 2, 17/06/2024 | 16:01:14
1,186 lượt xem
Khẳng định việc điều chỉnh vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vấn đề rất cần thiết để thực hiện tốt việc lồng ghép, phân bổ vốn thực hiện chương trình, song đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần xem lại thời gian áp dụng cho phù hợp, cũng như bảo đảm việc phân bổ vốn hợp lý.

Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sáng 17/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Tờ trình của Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu rõ, đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương chủ trì quản lý dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua, chương trình đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai tổ chức thực hiện chương trình, do đó đại biểu cho rằng việc cần phải điều chỉnh một số chủ trương là điều cần thiết.

Cơ bản thống nhất về điều chỉnh vốn thực hiện chương trình, đại biểu Hải nhấn mạnh đây là vấn đề rất cần thiết để thực hiện tốt việc lồng ghép, phân bổ vốn thực hiện chương trình, song cũng đề nghị cần xem lại thời gian áp dụng cho phù hợp.

Bởi theo đại biểu, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 vốn đầu tư công đã được giao cho địa phương, vốn sự nghiệp cũng đã được phân bổ đến hết năm 2024, nên cần nêu rõ là điều chỉnh bổ sung cho giai đoạn 2026-2030 là phù hợp và đề nghị phân bổ vốn trung hạn hằng năm và phân bổ vốn sự nghiệp cũng phải phù hợp, tránh trường hợp phân bổ, giao vốn sự nghiệp và phân bổ vốn đầu tư công không ăn khớp sẽ làm ảnh hưởng lớn tới việc bố trí vốn cho các dự án cụ thể.

Cũng bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình đối với phạm vi đầu tư, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phân tích, Chính phủ đề xuất điều chỉnh 4 nhóm đầu tư cơ sở vật chất, các nhóm được đề xuất đầu tư có trụ sở không thuộc địa bàn quy định tại Nghị quyết 120 của Quốc hội, vốn đầu tư cho 4 nhóm đầu tư cơ sở vật chất khoảng 4.143 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát tất cả các cơ sở vật chất phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc địa bàn quy định tại Nghị quyết 120 của Quốc hội được đưa vào điều chỉnh trong phạm vi đầu tư.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Về việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng bày tỏ ủng hộ việc mở rộng này. Đại biểu phân tích, theo tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình áp dụng cho 4 nhóm, gồm 10 đơn vị sự nghiệp công lập, 101 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 39 tỉnh không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 3 trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện không nằm trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc bổ sung 4 nhóm đối tượng với hơn 4.000 tỷ đồng, Chính phủ cam kết không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120.

Bên cạnh Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình còn là một bước quan trọng nhằm thể chế hóa trong thực tiễn các quy định tại khoản 1 Điều 58, khoản 3 Điều 62 Hiến pháp về phát triển y tế, giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vì vậy, đại biểu Nghĩa đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng các chương trình trong nghị quyết Quốc hội, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ triển khai trong thực tiễn.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị rà soát bổ sung danh mục cụ thể của di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu của các dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư không làm đội vốn chương trình

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn vốn của chương trình lấy từ đâu và có đội vốn hay không.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, nguồn vốn để thực hiện chương trình là hơn 4.000 tỷ đồng đã được phân bổ trong tổng nguồn vốn mà Quốc hội đã phê duyệt, đó là 50 nghìn tỷ đồng cho vốn đầu tư công và 54 nghìn tỷ đồng vốn chi thường xuyên của chương trình giai đoạn 2021-2025.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, các nội dung này đã được phân bổ cho các địa phương và các địa phương đã lựa chọn các danh mục, chỉ vướng là các danh mục các địa phương lựa chọn rất mong muốn để được đầu tư nhưng vì không nằm ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng đặc biệt khó khăn, nằm ở địa bàn thôn, bản cho nên đề nghị điều chỉnh về địa bàn để tổ chức thực hiện.

Như vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, nguồn vốn là nằm trong tổng nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ, không đội vốn lên, tức là không tăng thêm 4.000 tỷ.

Về phạm vi và đối tượng của chương trình, có 4 nội dung với 4 nhóm đối tượng được điều chỉnh, cơ bản các đại biểu Quốc hội đã đồng tình ủng hộ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết sẽ tham mưu Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát cụ thể từng danh mục công trình phù hợp với tiêu chí, mục tiêu, phạm vi, đối tượng của chương trình để bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Về ý kiến các đại biểu liên quan các danh mục công trình tại dự án 6 thuộc lĩnh vực văn hóa có tích hợp vào trong chương trình mục tiêu văn hóa hay không, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, trong quá trình ngành văn hóa thực hiện chương trình mục tiêu văn hóa giai đoạn 2026-2030, Ủy ban Dân tộc đồng tình với chủ trương của Quốc hội đề ra, đó là cần phải rà soát để bảo đảm giữa 2 chương trình không trùng lặp về đối tượng, nội dung và nguồn vốn.

Do đó, đề nghị điều chỉnh nội dung này chủ yếu là cho giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt trong chương trình.

Về tiến độ thực hiện chương trình, các đại biểu Quốc hội băn khoăn liệu sau khi Quốc hội đồng ý và Chính phủ phê duyệt, các địa phương điều chỉnh lựa chọn danh mục thì tiến độ có đáp ứng hay không trong bối cảnh còn hơn 1 năm?

Dẫn báo cáo của các địa phương, các ngành chủ quản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, các danh mục công trình được lựa chọn chủ yếu là cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị với quy mô nhỏ, thời gian ngắn, có thể tiến hành đổi ngay.

Nếu sau khi Quốc hội đồng ý để điều chỉnh nội dung này thì các địa phương lựa chọn và tổ chức thực hiện. Do đó, các địa phương đều cam kết khả năng bảo đảm hoàn thành đến năm 2025.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày