Thứ 6, 22/11/2024, 00:22[GMT+7]

Ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga

Thứ 5, 20/06/2024 | 10:15:29
1,644 lượt xem
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2013. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, nhất là trong bối cảnh hai nước tích cực triển khai Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.

Việt Nam và Liên Xô (trước đây) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950. Hơn 7 thập niên trôi qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, Việt Nam và Nga đã tiến những bước dài trên con đường hợp tác cùng phát triển. Năm 1994, Việt Nam và Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ song phương trong giai đoạn phát triển mới. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện lần lượt vào các năm 2001 và 2012. Năm 2021, hai nước ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.

Cơ sở pháp lý mới cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nga đã được xây dựng khá đầy đủ và tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 1991 đến nay, hai bên đã ký kết hơn 100 văn kiện hợp tác trong tất cả lĩnh vực, như: Kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân, giáo dục-đào tạo, văn hóa, khoa học, kỹ thuật quân sự.

Thời gian qua, tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Nga không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Từ năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các hoạt động trao đổi cấp cao song phương vẫn được duy trì thường xuyên, thông qua điện đàm, hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo chủ chốt hai nước. Sau khi đại dịch được đẩy lùi, hoạt động trao đổi đoàn diễn ra sôi động.

Thời gian qua, tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Nga không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. 


Việt Nam và Nga cũng duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như: Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên cấp Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng... Trong cuộc điện đàm ngày 26/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga, đồng thời mong muốn củng cố hợp tác song phương trên cơ sở tin cậy và cùng có lợi.

Nền tảng quan hệ chính trị tin cậy là động lực để Việt Nam và Nga tiến những bước vững chắc trên con đường hợp tác. Hợp tác kinh tế song phương phát triển năng động. Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật, thiết lập từ năm 1992 và được nâng lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2023 đạt 3,63 tỷ USD; quý I năm 2024, đạt 1,11 tỷ USD.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 4/2024, phía Nga có 186 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 984,98 triệu USD, đứng thứ 28 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Nga đứng thứ 4 trong tổng số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga được triển khai tại 21 địa phương, trong lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo... Việt Nam có 18 dự án đầu tư tại Nga, với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Đầu tư song phương vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, mà Nga là thành viên, chính thức có hiệu lực từ năm 2016.

Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, an ninh quốc phòng... cũng được chú trọng phát triển. Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có nhiều đóng góp củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga phát triển tốt đẹp. Việt Nam xác định quan hệ với Nga có tầm quan trọng chiến lược, coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nga coi Việt Nam là đối tác tin cậy và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2024, hai nước kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga và hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày