Thứ 6, 22/11/2024, 16:42[GMT+7]

Cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại Tây Nguyên được đưa vào hoạt động

Chủ nhật, 23/06/2024 | 22:13:03
5,427 lượt xem
Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch quốc tế, tăng liên kết vùng...

Sáng (23/6), tại Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham dự lễ công bố nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng Hàng không quốc tế.

Sân bay Liên Khương hiện là sân bay cấp 4D theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Sân bay này có đường băng dài 3.250m, rộng 45m.

Cụ thể theo Quyết định 610 ngày 17/05/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, sân bay chuyên dùng chung dân sự và quân sự.

Giai đoạn 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch đạt cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp II. Công suất đạt khoảng 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hoá mỗi năm. Trong giai đoạn này, sân bay Liên Khương khai thác được các loại máy bay code C như Airbus A320, A321 và máy bay code E như Boeing B747, B787, Airbus A350 cũng như các loại máy bay tương đương. Sân bay vẫn giữ nguyên cấu hình đường băng như hiện nay.

Cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại Tây Nguyên được đưa vào hoạt động - Ảnh 2.

Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT trao quyết định chuyển CHK Liên Khương thành CHK quốc tế Liên Khương.

Tầm nhìn đến năm 2050, công suất sân bay này nâng lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hoá mỗi năm. Đồng thời, kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây thêm 350m, nâng chiều dài lên thành 3.600m, rộng 45m. Tổng diện tích đất quy hoạch cho sân bay là hơn 340ha.

Cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại Tây Nguyên được đưa vào hoạt động - Ảnh 3.

Cảng Hàng không Liên Khương được quy hoạch đạt cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp II.

Tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng với đường bay thẳng đến nhiều quốc gia sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch quốc tế, hàng hóa đến quốc tế nhanh nhất, nhiều nhất; tăng liên kết vùng, khai thác tiềm năng lợi thế không chỉ của Lâm Đồng mà cả vùng Tây Nguyên. Đây sẽ là cầu nối quan trọng để phát triển du lịch của địa phương và của vùng Tây Nguyên.

Theo vtv.vn