Thứ 5, 26/12/2024, 01:23[GMT+7]

Ủy ban nhân dân tỉnh nghe báo cáo kết quả thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025

Thứ 6, 05/07/2024 | 18:48:01
28,101 lượt xem
Chiều ngày 5/7, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp UBND tỉnh nghe các báo cáo: kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ- HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028. Dự họp có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/2020/NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến tháng 6/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được 7 hồ sơ đề nghị hỗ trợ dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Trong đó, 1 hồ sơ dự án đủ điều kiện trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; 1 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo do Công ty TNHH Hưng Cúc chủ trì liên kết được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ. 

Các đại biểu dự cuộc họp.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tính đến tháng 6/2024, tổng số máy cấy, thiết bị sấy các huyện, thành phố đề nghị hỗ trợ (bao gồm số máy đã được hỗ trợ và số máy đang chờ thẩm định) là 1.211 máy cấy (đạt 50% định mức) và 18 hệ thống thiết bị sấy (đạt 1% định mức) với tổng số tiền hỗ trợ 25.281 triệu đồng. Số máy cấy, hệ thống thiết bị sấy trong định mức còn lại được hỗ trợ trong thời gian tới 1.207 máy cấy và 1.925 hệ thống thiết bị sấy. 

Đối với Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, ngày 11/10/2021 và Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 25/2021/ NQ-HĐND, ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tính đến hết tháng 6/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp 190 lượt xã đăng ký danh mục thực hiện đường điện “Thắp sáng đường quê”, trình và được UBND tỉnh phê duyệt với tổng số 1.475,8km, kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 26 tỷ đồng; các địa phương đã lắp đặt được 899,1km (đạt 61,28% số đã đăng ký), trong đó 101,397km (đạt 17,14% so với số đăng ký) hệ thống điện năng lượng mặt trời; 797,721km (đạt 91,10% so với số đăng ký) hệ thống điện chiếu sáng. 

Đối với Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, theo báo cáo của các huyện, các địa phương có nhu cầu hỗ trợ 21.281,64 tấn xi măng phục vụ cứng hóa, mở rộng đường giao thông, kênh mương, tương đương hơn 34,4 tỷ đồng. Đến ngày 25/6, 4 huyện: Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy đăng ký 30,13km các loại đường giao thông, kênh cấp 1 loại 3, rãnh thoát nước; 4.255,10m2 để mở rộng các tuyến đường giao thông với 4.901 tấn xi măng, tương đương gần 7,6 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có quyết định cấp 2.451 tấn xi măng cho 3 xã của 2 huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư. 

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ- HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay đã có các xã: Bình Định, Bình Thanh, Vũ Bình (Kiến Xương), Phương Công (Tiền Hải) nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai theo hình thức liên kết sản xuất với tổng diện tích đất đai tích tụ, tập trung là 222,5ha, được UBND huyện tổ chức nghiệm thu, thẩm định, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ. Dự kiến trong năm 2024 các địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ 18 vùng sản xuất với diện tích tích tụ, tập trung khoảng 412ha. 

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại cuộc họp.

 Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết.

Lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu tại cuộc họp.  

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nghị quyết, đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp để các nghị quyết đi vào thực tiễn. 

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn của trung ương, tỉnh và các địa phương đã xây dựng và ban hành cơ chế riêng để khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, khi thực hiện, vận dụng vào thực tiễn, một số nghị quyết phát sinh khó khăn, vướng mắc, tiến độ thực hiện còn chậm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các chính sách; những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp tháo gỡ có hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn. Các địa phương tiếp tục quán triệt và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về nội dung cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện, đồng thời hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Lưu Ngần – Anh Dân