Thứ 6, 22/11/2024, 05:12[GMT+7]

Nâng tầm ngoại giao văn hóa để tạo nguồn lực phát triển đất nước

Thứ 4, 10/07/2024 | 08:03:41
788 lượt xem
Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ rõ, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của toàn bộ nền ngoại giao Việt Nam. Do đó, rất cần phát huy ngoại giao văn hóa cũng như đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào lĩnh vực này để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quảng bá ngoại giao văn hóa, từ đó tạo nguồn lực để phát triển đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG).

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

Tối 9/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác ngoại giao văn hóa năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác ngoại giao văn hóa, 94 Đại sứ/Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao.

Hội nghị được truyền trực tuyến tới 94 điểm cầu của các cơ quan đại diện Việt Nam trên toàn thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, các nước đều coi ngoại giao văn hóa là công cụ hiệu quả để giảm bất đồng, tăng cường hiểu biết, thúc đẩy lòng tin và tăng cường hợp tác.

Khẳng định ngoại giao văn hóa trong thời điểm này có nhiều điểm mới, nhiều lĩnh vực mới xuất hiện như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng… được các nước tận dụng để phát triển, theo đó ngoại giao văn hóa cũng cần tận dụng các cơ hội này.

Bộ trưởng cũng lưu ý các cơ quan có liên quan cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều phải coi trọng vấn đề thúc đẩy ngoại giao văn hóa, cần theo dõi để triển khai công cụ ngoại giao văn hóa hiệu quả cùng với triển khai đồng bộ, toàn diện các trụ cột khác của ngoại giao.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG).

Theo Bộ trưởng, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của toàn bộ nền ngoại giao Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy các mặt của ngoại giao phát triển, từ đó phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước, cần tập trung đánh giá thực chất các hoạt động ngoại giao văn hóa thời gian qua, nhân rộng mô hình tốt, nhất là các sáng kiến mới, đổi mới sáng tạo trong mục tiêu phát triển văn hóa.

Bộ trưởng nêu rõ, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Vì vậy, cần sử dụng công cụ ngoại giao văn hóa phù hợp, đưa quan hệ với các đối tác vào chiều sâu, biến các điều kiện thuận lợi của ngoại giao văn hóa để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Ngoại giao văn hóa cũng gắn với hội nhập. Bộ trưởng khẳng định, ngành ngoại giao phải là lực lượng đi tiên phong trong thúc đẩy hội nhập sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, các diễn đàn, nhất là UNESCO, đồng thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế, nhất là ngoại giao văn hóa, góp phần nâng cao dân trí…

Hội nghị được truyền trực tiếp tới 94 điểm cầu trên toàn thế giới. (Ảnh: TRUNG HƯNG).

Quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam là một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao văn hóa. “Nếu bản sắc văn hóa là cái chiêng thì ngoại giao văn hóa phải đánh cái chiêng đó thành tiếng, phải có các biện pháp tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó phát huy sức mạnh mềm, xây dựng giá trị con người Việt Nam trong thời đại số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ.

Khẳng định ngoại giao văn hóa còn nhiều dư địa để phát triển, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để nâng tầm văn hóa Việt Nam. Theo đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tham mưu chính sách, biện pháp cụ thể để nâng cao hình ảnh vị thế quốc gia và từng địa phương trên trường quốc tế, góp phần xây dựng hệ văn hóa quốc gia, chuẩn mực con người Việt Nam, qua đó xây dựng chuẩn mực, bản sắc ngoại giao Việt Nam.

Cần hoạt động bài bản, có trọng điểm

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác ngoại giao văn hóa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG).

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan của Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ thực trạng triển khai công tác ngoại giao văn hóa thời gian qua, những bài học kinh nghiệm cùng các kiến nghị để triển khai có hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Theo đó, công tác đối ngoại cũng như ngoại giao văn hóa đã được triển khai có hiệu quả, góp phần giúp uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng cao. Từ thực tế sở tại ở các nước, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã kiến nghị nhiều đổi mới, sáng tạo trong quảng bá ngoại giao văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài.

Là nơi có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đông đảo với nhiều hoạt động tích cực, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, với khoảng 600 nghìn người Việt Nam ở Nhật Bản, đây là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 ở Nhật Bản và cũng lớn thứ 2 trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xác định cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản vừa là chủ thể, vừa là đối tác để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, coi người Việt Nam tại đây là sứ giả để vừa quảng bá vừa là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và nước sở tại.

Để hoạt động ngoại giao văn hóa thời gian tới có hiệu quả, Đại sứ Phạm Quang Hiệu kiến nghị cần đầu tư vào các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, thí dụ như duy trì một số hoạt động quy mô lớn như lễ hội Việt Nam ở Nhật Bản, vốn thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự.

Ngoài ra, cần thúc đẩy sự tham gia tích cực của các giới, các cơ quan địa phương tại Nhật Bản vào các lễ hội của người Việt, từ đó thu hút sự tham gia nhiều hơn của đông đảo người bản địa.

Thông qua lễ hội còn lồng ghép các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị thông qua tổ chức các diễn đàn đầu tư, tổ chức các hoạt động quyên góp chung tay chia sẻ với người Nhật Bản trong đợt động đất vừa qua, truyền bá văn hóa tích cực của người Việt Nam ta đối với nước sở tại.

Để ngoại giao văn hóa trở thành nguồn lực thì cần đầu tư nguồn lực xứng đáng và chọn lọc các sản phẩm có giá trị. Do đó, đại sứ kiến nghị cần tiếp tục tăng cường đầu tư nhân lực, vật lực cho công tác này, thu hút xã hội hóa, sự sáng tạo và tham gia của người Việt Nam tại sở tại.

Theo đó, trong phát triển có trọng tâm, trọng điểm, cần chọn một vài sản phẩm có nét đặc trưng văn hóa Việt Nam để làm thương hiệu phù hợp cho mỗi địa bàn trong thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa.

Chung quan điểm, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu Nguyễn Văn Thảo cho rằng, xác định trọng tâm, trọng điểm trong công tác ngoại giao văn hóa là “mang chuông đi đánh xứ người” nên cần chọn các sản phẩm đặc sắc nhất, dễ cảm nhận và không quá tốn kém trong triển khai, chỉ chọn các sản phẩm hết sức đặc trưng và nhận diện được ngay, không dàn trải.

Ngoài ra, khi chọn được lĩnh vực và sản phẩm đặc trưng, cần thổi hồn vào các sản phẩm đặc trưng văn hóa đó, xây dựng các câu chuyện xoay quanh để tăng tính hấp dẫn cho các bộ nhận diện này.

Bên cạnh đó, việc xây dựng không gian văn hóa Việt tại các cơ quan đại diện cũng cần xây dựng thành một số bộ mẫu để triển khai tùy thuộc điều kiện từng cơ quan đại diện, với các sản phẩm trưng bày ở đó mang tính đặc trưng nhất, dễ nhận diện nhất để tiện triển khai, bên cạnh việc tận dụng số hóa, không gian ảo một cách phù hợp.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày