Thứ 6, 22/11/2024, 12:01[GMT+7]

Chủ động phòng, chống úng do ảnh hưởng của bão số 2

Thứ 3, 23/07/2024 | 10:44:35
19,005 lượt xem
Dự báo do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 22 đến ngày 24/7 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biến từ 100 - 200m. Mưa lớn có thể gây ngập úng một số diện tích lúa mới cấy và gieo thẳng tại một số địa phương gieo cấy cuối lịch thời vụ.

Ông Nguyễn Văn Tuy, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) gia cố lại lồng nuôi cá trước diễn biến phức tạp của bão số 2.

Nhiều diện tích lúa mới gieo cấy bị ảnh hưởng do mưa lớn trước bão

Đến ngày 22/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được 98,2% diện tích lúa mùa. Diện tích chưa gieo cấy tập trung ở một số địa phương của huyện Tiền Hải, vùng trũng khu Nam huyện Kiến Xương. Do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Bắc Trung Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 14/7 đến 7 giờ ngày 20/7 trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; lượng mưa trung bình phổ biến gần 190mm, có nơi cao hơn như: Vũ Hòa (Kiến Xương) 208mm; thị trấn Hưng Hà 294,3mm, Minh Hòa (Hưng Hà) 237,8mm; Mê Linh 236,2mm, Đông Các (Đông Hưng) 240mm; Trung An (Vũ Thư) 261,2mm. Mưa lớn trùng vào thời điểm triều cường và xả lũ từ các hồ thủy điện nên việc tiêu úng gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, mưa lớn ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của 6.790ha lúa mới cấy, trong đó 560ha phải gieo cấy lại hoặc chăm sóc sau phục hồi.

Tại huyện Vũ Thư, mưa lớn làm cho nhiều diện tích ngập úng cục bộ, nhất là những vùng thấp, trũng, vùng gieo thẳng, gần 1.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu là lúa mới gieo cấy.

Canh tác 5 sào lúa bằng phương thức gieo thẳng, gặp mưa lớn liên tiếp nên cả 5 sào ruộng của gia đình bà Vũ Thị Sợi, thôn Văn Lâm, xã Duy Nhất đều bị ngập. Bà Sợi cho biết: Mặc dù chính quyền địa phương tích cực tiêu úng nhưng do ngâm nước lâu nên cây lúa bị lướt, nhiều diện tích thối thân khó có thể phục hồi. Một phần là do mưa lớn nhiều ngày, một phần là do nông dân gieo thẳng, cây lúa còn thấp nên không chịu được nước ngập. Để khôi phục sản xuất, tôi tìm mua mạ để cấy lại cho kịp thời vụ.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các HTX NN và các hộ dân tiếp tục áp dụng các biện pháp tiêu nước cục bộ cho các vùng úng trũng bị ngập, phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp xử lý phù hợp. Sử dụng lượng mạ dự phòng đã gieo và chủ động ngâm ủ các giống ngắn ngày (TBR-1, Hương cốm 4, Đài thơm 8, Nếp 97…) để gieo cấy lại cho diện tích bị ngập không có khả năng phục hồi. Những diện tích lúa có bộ rễ còn trắng, điểm sinh trưởng còn tươi sau khi tiêu nước tiến hành làm sạch lá lúa, té nước rửa lá để không bị rong rêu, bùn đất bám trên bề mặt lá, thuận lợi cho cây lúa quang hợp; phun các chế phẩm sinh học như KH, ET, siêu lân, Pennac P giúp cây phục hồi nhanh, chủ động phòng, trừ ốc bươu vàng.

Các đơn vị quản lý thủy nông phân công cán bộ, công nhân trực 24/24 giờ tại các công trình.

Chủ động phòng, chống bão số 2 

Dự báo do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 22 đến ngày 24/7 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biến từ 100 - 200m. Mưa lớn có thể gây ngập úng một số diện tích lúa mới cấy và gieo thẳng tại một số địa phương gieo cấy cuối lịch thời vụ.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Trạm trưởng Trạm bơm Minh Tân (Hưng Hà) cho biết: Từ đợt mưa lớn 14 - 21/7, chúng tôi đã bố trí 100% quân số trực thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng vận hành trạm bơm khi có chỉ đạo, đồng thời thay phiên nhau liên tục kiểm tra, theo dõi điện áp, việc thoát nhiệt của động cơ máy bơm; vớt bèo, rác, vật cản trước các cửa lưới chắn để ngăn tắc, bảo đảm các máy bơm vận hành an toàn, hiệu quả, tiêu thoát nước tối đa. Trước những dự báo bất lợi từ cơn bão số 2, anh em tiếp tục trực 100% quân số để chủ động, kịp thời tiêu thoát nước, hạn chế tối đa ngập úng.

Không chỉ tại các trạm bơm, hiện tại, hai công ty khai thác công trình thủy lợi tiếp tục phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các cống để vận hành tiêu nước, khẩn trương hạ thấp mực nước nội đồng phòng ngập úng cho lúa mới cấy, hoa màu.

Tại thời điểm 15 giờ ngày 21/7, toàn tỉnh đang vận hành 8 trạm bơm.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình cho biết: Công ty đã tổ chức khoanh vùng, xác định diện tích có nguy cơ bị ngập úng và có phương án ứng phó cụ thể phù hợp với đặc điểm địa hình, dự báo tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng. Chúng tôi cũng chỉ đạo cán bộ, công nhân tổ chức trực 24/24 giờ tại các công trình, chủ động theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở cống tiêu, triệt để tiêu nước đệm trong hệ thống đề phòng khi có mưa lớn gây ngập úng.

Ngoài bảo vệ lúa mùa, toàn tỉnh có 681 lồng nuôi trồng thủy sản trên sông. Tất cả các hộ nuôi cá lồng trên sông đã được thông tin về bão và ảnh hưởng của bão, được tuyên truyền, hướng dẫn gia cố thêm các neo, dây buộc, bổ sung dây thép vào phao bè.

Ông Nguyễn Văn Tuy, thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) cho biết: Gia đình tôi hiện có 16 lồng cá. Sau khi biết thông tin về bão số 2, do đã có kinh nghiệm ứng phó với bão từ nhiều năm nay, gia đình tôi đã nhanh chóng gia cố lồng bè, hệ thống dây neo, phao lồng, gia cố tấm chắn phía đầu lồng nuôi để hạn chế tốc độ dòng chảy; sơ tán các dụng cụ, thiết bị, vật tư, thức ăn, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra. 

Bão số 2 còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng cực đoan, vì vậy người dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và các khuyến cáo của cơ quan chức năng để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngân Huyền – Nguyễn Thơi