Thứ 3, 23/07/2024, 17:17[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị chủ động phòng chống, khắc phục ảnh hưởng bão số 2

Thứ 3, 23/07/2024 | 11:10:50
510 lượt xem
Ngày 23/7, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang chủ động, tích cực phòng, chống, khắc phục ảnh hưởng bão số 2

Lãnh đạo huyện Hưng Hà kiểm tra công tác tiêu úng cho lúa mùa và rau màu tại các địa phương.

* Hưng Hà: Chủ động tiêu úng cho lúa mùa và rau màu

Hiện nay, huyện Hưng Hà có trên 10.300ha lúa mùa mới gieo cấy, 1.920ha cây màu hè, trong đó đã thu hoạch được 1.720ha gồm 620ha dưa, 350ha ngô, 750ha rau màu các loại. Tính đến sáng ngày 23/7, huyện Hưng Hà có trên 650ha lúa mùa và một số diện tích rau màu bị ảnh hưởng ngập úng do mưa lớn. 

Cán bộ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hưng Hà vớt bèo bồng tránh gây ách tắc trong quá trình tiêu thoát nước. Ảnh: Thanh Thủy

Để chủ động tiêu thoát nước cho lúa mùa và rau màu, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hưng Hà đã chỉ đạo 3 trạm bơm tiêu úng gồm: Hà Thanh, Tịnh Xuyên, Minh Tân và các trạm bơm tiêu của các địa phương khẩn trương bơm tiêu thoát nước; Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hưng Hà, HTX DVNN các xã, thị trấn giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão. Các HTX DVNN các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra diện tích lúa, rau màu bị ngập; có biện pháp tiêu nước vùng trũng, giữ nước vùng cao. 

Các địa phương huyện Hưng Hà tổ chức khơi thông dòng chảy trên các sông trục chính. Ảnh: Thanh Thủy

Nông dân xã Thái Hưng tổ chức tiêu thoát nước cho lúa mùa bị ngập úng. Ảnh: Thanh Thủy

UBND huyện Hưng Hà yêu cầu các xã, thị trấn tập trung huy động lực lượng giải phóng dòng chảy trên các tuyến sông trục chính, đặc biệt là khu vực nội đồng, khơi thông mương máng, đào rãnh thoát nước chống úng cục bộ cho các vùng thấp trũng. 

Theo dự báo, trong những ngày tới, trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục có mưa to kéo dài, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống úng bảo vệ cho lúa mùa, rau màu.

* Đông Hưng: Phòng, chống úng cho lúa và rau màu

Sáng ngày 23/7, các đồng chí lãnh đạo huyện Đông Hưng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống úng cho lúa và rau màu, công tác canh coi điếm nước, các trọng điểm đê kè xung yếu trên địa bàn.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Đông Hưng kiểm tra tại cánh đồng xã Hồng Bạch. Ảnh: Thu Hiền

Đến nay, Đông Hưng đã gieo cấy trên 11.000ha lúa mùa, đạt 100% kế hoạch; diện tích cây màu hè đã thu hoạch 1.250/1.400ha; diện tích cây màu hè thu đã trồng 800/1.000ha. Lúa đang sinh trưởng phát triển tốt nhưng do ảnh hưởng của mưa vừa, mưa to, toàn huyện có khoảng 10ha lúa bị ngập úng cục bộ. 

Để chống úng cho lúa, theo chỉ đạo của huyện từ 16 giờ ngày 17/7 đến 13 giờ ngày 20/7/2024, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã chủ động vận hành 2 trạm bơm tiêu úng vùng Hậu Thượng và Cống Lấp. Do đó, vùng úng Hậu Thượng và Cống Lấp hiện không còn diện tích lúa bị úng ngập.

Cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lương khơi thông dòng chảy tiêu nước chống úng cho lúa mùa.  Ảnh: Thu Hiền

Tập trung khắc phục ảnh hưởng của bão số 2, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương tổ chức khơi thông dòng chảy; chủ động kiểm tra, vận hành chạy thử các trạm bơm chống úng sẵn sàng bơm úng nếu tình huống xấu xảy ra. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều, củng cố, tu bổ ngay để bảo đảm an toàn mùa mưa lũ. Giải phóng các bãi vật liệu, hàng hóa ở bãi sông gây cản trở thoát lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn, báo động mực nước trên các sông để có phương án tiêu nước kịp thời bảo vệ lúa, hoa màu. Với diện tích lúa bị úng trước đó, tuyên truyền, vận động nông dân tỉa dặm và đẩy mạnh chăm sóc để lúa phát triển.

* Quỳnh Phụ: Kiểm tra, chỉ đạo tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; bảo đảm an toàn lồng bè nuôi cá

Huyện Quỳnh Phụ hiện có gần 11.000ha lúa mùa mới gieo cấy, trên 1.500ha cây rau màu. Do ảnh hưởng của bão số 2, trong 2 ngày 22 - 23/7 trên địa bàn huyện có mưa nhiều, lượng mưa trung bình khoảng 70mm. Mưa kéo dài đã ảnh hưởng tới gần 100ha lúa mùa mới gieo cấy ở vùng trũng và ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây rau màu.

Lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống úng cho lúa tại xã Quỳnh Minh.  Ảnh: Nguyễn Cường

Lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ kiểm tra, chỉ đạo xử lý sạt lở tại xã An Quý.  Ảnh: Nguyễn Cường

Để chủ động phòng, chống úng cho lúa và rau màu, ngày 23/7, lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ đã đi kiểm tra công tác tiêu úng lúa tại các xã: Quỳnh Minh, An Quý và Đồng Tiến; kiểm tra công tác vận hành tiêu úng tại trạm bơm Cao Nội, xã An Cầu và một số vị trí xung yếu tại đê, kè, cống trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các địa phương chủ động vận hành các trạm bơm tiêu úng, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm để chống úng cho diện tích lúa mới cấy. Tổ chức khơi thông dòng chảy tạo thuận lợi cho việc tiêu thoát nước nhanh. Sau khi tiêu thoát nước, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo bà con nông dân có biện pháp chăm sóc rau màu, bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển tốt. Với các tuyến đê, kè, cống, nhất là những vị trí xung yếu, cán bộ Hạt Quản lý đề điều huyện cùng địa phương thường xuyên kiểm tra có phương án ứng cứu kịp thời.

Trạm bơm Cao Nội, xã An Cầu mở cống để tiêu thoát nước cho lúa và rau màu. Ảnh: Nguyễn Cường

* Trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có 200 lồng nuôi cá trên sông, tập trung ở 3 xã: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hoàng. Để ứng phó với bão số 2 gây mưa lớn, nước các sông Luộc, sông Hóa lên cao, chảy xiết, huyện Quỳnh Phụ đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương có diện tích nuôi cá lồng kiểm tra, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi cá trên sông khi thời tiết diễn biến xấu.

Các hộ dân huyện Quỳnh Phụ nuôi cá lồng trên sông tăng cường các biện pháp để ứng phó bão số 2. Ảnh: Mạnh Thắng

Trong đó, di chuyển lồng bè về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết. Thường xuyên kiểm tra, tu sửa lồng bè, vệ sinh, tẩy dọn lồng để bảo đảm nước lưu thông và môi trường trong sạch; gia cố hệ thống dây neo, phao lồng, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời. Chú trọng theo dõi mực nước, thời tiết để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi cá lồng trên sông.

* Nông dân Vũ Thư: Thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa mùa

Nông dân huyện Vũ Thư đã hoàn thành gieo cấy trên 7.500ha lúa mùa. Đến nay, lúa trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Do thời tiết mưa nhiều và diễn biến thất thường, một số diện tích lúa mùa bị ngập úng, nghẹt rễ.

Nông dân Vũ Thư tỉa dặm lúa mùa mới gieo cấy. Ảnh: Quỳnh Lưu

Các đơn vị, địa phương chỉ đạo nông dân tiến hành tiêu thoát nước mặt ruộng và khẩn trương bón thúc, kết thúc chăm bón đợt 1 cho cây lúa trước ngày 26/7. Hướng dẫn bà con sử dụng vôi bột kết hợp với 1 loại phân bón qua lá để bón, xử lý diện tích lúa bị nghẹt rễ do ngập úng. Đối với diện tích lúa bị hư hỏng nặng, khuyến cáo nông dân tiêu hủy, khẩn trương làm đất, gieo cấy lại ngay trong tháng 7, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày như Đài thơm 8, TBR 279, TBR 97. Qua kiểm tra đồng ruộng, phát hiện có sâu keo mùa thu và một số loại sâu ăn lá gây hại chủ yếu trên lúa gieo vãi; khi mật độ sâu từ 10 con/m2 trở lên, nông dân cần tiến hành phun trừ ngay bằng các loại thuốc nội hấp lưu dẫn kết hợp với thuốc sinh học. 

Ngoài ra, khuyến khích nông dân sử dụng các biện pháp thủ công để diệt trừ, loại bỏ ốc bươu vàng, chuột, cỏ dại, lúa cỏ, bảo vệ an toàn cây lúa, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

* Thái Thụy: 70 ha lúa mùa bị ngập úng

Hiện nông dân Thái Thụy đã gieo cấy được hơn 12.000ha lúa mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn huyện xảy ra mưa, mưa vừa đã làm ảnh hưởng một phần diện tích lúa gieo sạ. Thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, địa phương có khoảng 70ha lúa mùa vùng gieo sạ ở các xã: Tân Học, Thái Thịnh, Mỹ Lộc… bị ngập úng cục bộ. 

Trạm bơm Khái Lai (Dương Hồng Thủy) thực hiện bơm tiêu úng. Ảnh: Nguyễn Thắm

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Thái Thụy chỉ đạo các địa phương, đơn vị tích cực, chủ động tiêu thoát nước, sẵn sàng phương án chống úng để bảo vệ lúa, hoa màu vùng trũng, thấp, các ao đầm nuôi trồng thủy sản, chống tràn tại các điểm đê thấp; đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước trong hệ thống, tiêu kiệt nước mặt ruộng để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng bơm tiêu nước do mưa lớn gây ngập úng; kiểm tra các điểm ách tắc do thi công tuyến đường bộ ven biển, dự án kênh N2, các tuyến đường huyện…, chỉ đạo thực hiện khơi thông ách tắc; tổ chức thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. 

70ha lúa mùa vùng gieo sạ ở các xã: Tân Học, Thái Thịnh, Mỹ Lộc… bị ngập úng cục bộ. Ảnh: Nguyễn Thắm

* Tổ chức phát quang hành lang lưới điện 110kV

Đề phòng tai nạn điện thời điểm mưa do ảnh hưởng của bão số 2, trong 2 ngày 22 - 23/7, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Công ty Điện lực Thái Bình đã triển khai 3 tổ với 15 công nhân thực hiện phát quang hành lang lưới điện.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình sử dụng thiết bị nâng chặt cây bảo đảm an toàn hành lang lưới điện. Ảnh: Mạnh Thắng

Các tổ công nhân huy động nhân lực, vật tư thiết bị, dụng cụ an toàn, dụng cụ lao động như dao chặt cây, cưa máy, câu liêm, sào cách điện, tổ chức thực hiện chặt, tỉa cành cây tại các điểm, vị trí đã được thống kê. Kết quả, Đội đã phát quang được 4km hành lang tuyến lưới điện, bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định.

Các tổ công nhân Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế triển khai phát quang hành lang lưới điện. Ảnh: Mạnh Thắng

Ngoài ra, Đội tăng cường kiểm tra tuyến đường dây nhằm phát hiện những điểm bất thường tại các vị trí tiếp xúc, mối nối, các hiện tượng phóng điện làm ảnh hưởng đến an toàn tuyến đường dây. Kiểm tra hệ thống thoát nước tại các trạm biến áp 110kV, chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng, thành lập đội xung kích và sẵn sàng khắc phục những sự cố do mưa bão gây ra.


Nhóm phóng viên