Chủ nhật, 24/11/2024, 09:12[GMT+7]

Để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phát huy tối đa hiệu quả

Thứ 6, 26/07/2024 | 09:13:31
1,753 lượt xem
Những năm qua, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Thái Bình thường xuyên tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng khu vực nông thôn luôn háo hức đón nhận chương trình đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới.

Đông đảo người dân xã Chương Dương và các địa phương lân cận của huyện Đông Hưng tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Hiệu ứng tích cực

Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ yếu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng nông thôn được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, có giá thành hợp lý.

Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp tham gia. Năm 2024, chương trình được tổ chức tại xã Chương Dương, huyện Đông Hưng vào đầu tháng 7 với quy mô 30 gian hàng. Các mặt hàng chủ yếu gồm sản phẩm gạo, bún, phở, nước mắm, dầu ăn, gia vị, nước giặt, nông sản và các thực phẩm, đồ gia dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. 

Chị Phan Thị Như Quỳnh, thôn Cao Mỗ, xã Chương Dương chia sẻ: Phiên chợ diễn ra vào dịp cuối tuần và tổ chức bán hàng cả buổi tối nên bà con nhân dân ai cũng phấn khởi đến tham quan, mua sắm. Chúng tôi rất yên tâm mua bán tại phiên chợ này vì các cơ quan chức năng đã thẩm định chặt chẽ hàng hóa đưa về tham gia trưng bày, giới thiệu và kinh doanh. Bà con không còn lo mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trong 3 ngày diễn ra chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại Đông Hưng năm nay, ước tính có hơn 15.000 lượt người dân của xã Chương Dương và các địa phương lân cận đến tham quan, mua sắm. 

Anh Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Hoàng Minh (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Khi đưa sản phẩm tham gia chương trình, chúng tôi mong muốn được lan tỏa thương hiệu và các sản phẩm được chiết xuất từ cây hương thảo của HTX đến với bà con nhân dân, từng bước phát triển thị trường tiêu thụ từ ngay địa bàn trong tỉnh rồi vươn ra cả nước. Tuy thời gian phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn diễn ra ngắn nhưng chúng tôi cũng bán được lượng hàng tương đối lớn và bước đầu xúc tiến tìm kiếm được một vài đối tác để làm đại lý phân phối, kinh doanh sản phẩm của địa phương.

Tại khu vực giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản rất nhiều người dân đến tìm hiểu và mua sắm. Ông Phạm Văn Tính, nhà phân phối Thanh Bình Phát phấn khởi cho biết: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là một kênh quảng bá sản phẩm rất hiệu quả bởi chúng tôi được tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Thông qua trao đổi với bà con, chúng tôi hiểu được mong muốn, nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn từ đó lựa chọn đưa những sản phẩm, hàng hóa phù hợp về cung ứng góp phần tăng doanh thu. Bên cạnh đó, việc được gặp gỡ trực tiếp người tiêu dùng cũng giúp chúng tôi giới thiệu, tư vấn, bán hàng một số sản phẩm mới hiệu quả.

Trong các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại Thái Bình, Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, nhà phân phối duy trì tổ chức hoạt động tư vấn tiêu dùng, bán hàng khuyến mại, giảm giá, dùng thử sản phẩm giúp người tiêu dùng được trải nghiệm thực tế những sản phẩm nguồn gốc Việt Nam chất lượng cao, tạo thêm niềm tin và thay đổi thói quen tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao hoạt động này bởi đây chính là cơ hội để doanh nghiệp thu thập thông tin, hiểu được nhu cầu thị hiếu, tập quán tiêu dùng của người dân nông thôn để có sự điều chỉnh trong sản xuất, tổ chức kênh phân phối đáp ứng thị trường.

Các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được người dân quan tâm tìm hiểu, mua sắm.

Vẫn còn hạn chế cần khắc phục

Mặc dù chương trình đưa hàng Việt về nông thôn mang lại những giá trị tích cực cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng nông thôn nhưng vẫn còn một số hạn chế nên chưa phát huy hết mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của chương trình. Nhiều người dân cho rằng, những chuyến hàng Việt Nam về nông thôn hiện nay ít về số lượng và ngắn về thời gian, chưa lan tỏa tới rộng khắp các địa phương. Số doanh nghiệp, nhà phân phối tham gia chương trình không nhiều, hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng nên chưa thật sự thu hút, hấp dẫn được người mua.

Các sản phẩm của Hợp tác xã Hoàng Minh (Quỳnh Phụ) được người tiêu dùng đón nhận tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Để tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối giúp người dân dễ dàng tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, giá thành hợp lý là rất quan trọng. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương tăng số lượng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Bản thân mỗi doanh nghiệp cần nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của chương trình từ đó tích cực hưởng ứng tham gia đưa sản phẩm tới gần người tiêu dùng nông thôn, đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng, giá cả hàng hóa tạo sự hấp dẫn người tiêu dùng. Sau mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp nên duy trì kết nối thông tin, phát triển hệ thống đại lý, điểm bán hàng cố định tại khu vực nông thôn phục vụ tiêu dùng của người dân thường xuyên hơn và chủ động chiếm lĩnh thị phần thị thường nông thôn rất giàu tiềm năng phát triển.

Khắc Duẩn