Bức tranh Kinh tế Việt Nam: Phục hồi, tăng trưởng nhưng chưa đồng đều
Bức tranh trái ngược sáng - tối
Từ những chỉ số thống kê cụ thể và những con số tăng trưởng có thể thấy, kinh tế nước ta 7 tháng năm 2024 đã phục hồi, lạm phát được kiểm soát; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép.
Trong đó phải kể đến một số con số "biết nói" thể hiện rõ nét như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ và tác động của chính sách tiền lương mới là không đáng kể. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, hài hòa với điều hành lãi suất. Thu gân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu 7 tháng tăng lần lượt 15,7% và 18,5%, ước xuất siêu 14,08 tỷ USD. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, nhất là xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản; tăng trưởng xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…cơ bản phục hồi trong tháng 7.
Đặc biệt, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ duy trì đà tăng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 8,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 54,7 điểm, là tháng thứ tư liên tiếp trên 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục phục hồi.
Ngoài ra, 7 tháng có 139,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (125,5 nghìn doanh nghiệp). Song song với đó, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Trong đó FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%, vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt gần 5 tỷ USD, tăng 19,4%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4%. Chất lượng dòng vốn FDI tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những điểm nhấn nổi bật của tình hình những tháng đầu năm đáng ghi nhận trong các con số này là thu hút đầu tư từ FDI rất khả quan; ngành sản xuất, chế biến chế tạo có dấu hiệu phục hồi rõ nét và chỉ số PMI của tháng 7 đạt gần 55 điểm là một chỉ báo rất quan trọng về sự phục hồi; đăng ký doanh nghiệp đạt tín hiệu tích cực…Có thể thấy, những kết quả đạt được vừa qua đang bám rất sát với định hướng điều hành kinh tế năm nay của Chính phủ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, bức tranh chung dù đang thể hiện sự phục hồi, tăng trưởng nhưng rõ ràng chưa đồng đều ở các khu vực doanh nghiệp và địa phương. Một bộ phận doanh nghiệp có thể đang tốt nhưng còn rất nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Nhìn vào tốc độ tăng giảm chỉ số sản xuất công nghiệp ở các địa phương thì thấy rằng có những địa phương tăng cao, song cũng có những địa phương được kỳ vọng có động lực tăng trưởng mới thì rất kém. Đây là bức tranh trái ngược mảng sáng – mảng tối.
Điển hình, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa toàn diện khi còn 6 địa phương có chỉ số IIP giảm; một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, khi các đơn hàng phục hồi, thì doanh nghiệp lại đối mặt với các khó khăn về tuyển dụng lao động, nguyên liệu đầu vào tăng giá, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp…Nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với khó khăn do chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao, chi phí logistics tăng cao... làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu.
Cần khơi thông các nguồn lực và cải cách thể chế
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù trong thời gian qua, chúng ta đã rất nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất và phát triển kinh tế. Trong đó điển hình như việc tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc và đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược; ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, bảo đảm thi hành Luật từ ngày 01/8/2024…
Đáng chú ý, trong 7 tháng, chúng ta đã thực hiện miễn, giảm 87,2 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí. Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, sửa đổi gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội theo hướng nâng mức giảm lãi suất với người mua nhà…
Nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% - 7% năm 2024
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như sự thay đổi của bối cảnh mới. Chẳng hạn như hiện có rất nhiều dự án vẫn trong tình trạng "dang dở" do vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực bất động sản; với Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, chương trình, giải pháp đã có nhưng việc thực hiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng; Còn nhiều quy định chưa phù hợp, làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, như quy định về đào tạo, ký quỹ, giấy phép nhập khẩu…
Trước tình hình đó, vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra là Chính phủ và các bộ ngành cần rà soát quy định, chính sách và nhanh chóng bãi bỏ những chi phí không hợp lý. Thông qua đó khơi thông nguồn lực, phát huy động lực và hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
"Việt Nam cần tận dụng hiệu quả các nguồn lực và cơ hội đang có. Đồng thời tăng cường động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Đơn cử với đầu tư công, dù hiện nay đã trở về quỹ đạo bình thường sau thời gian tăng tốc với Nghị quyết 43 thì việc thực hiện đúng tiến độ, đúng mục tiêu cũng chính là khơi thông và tận dụng hiệu quả nguồn lực", ông Hiếu nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, phía nhà nước cần tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính. Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
"Song song với đó, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp để họ có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định và tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa...", ông Nam kiến nghị thêm./.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 23.01.2024 | 14:20 PM
- Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình: Đến năm 2050 có nền kinh tế phát triển thịnh vượng 30.12.2023 | 08:41 AM
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 20.12.2023 | 10:04 AM
- Kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2019 04.04.2019 | 09:40 AM
- Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 19.03.2019 | 10:43 AM
- Tập trung nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư công 12.03.2019 | 11:11 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024
- Vũ Thư kỷ niệm 55 năm thành lập huyện (1969 – 2024)
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả
- Hưng Hà: Khởi công, động thổ 2 dự án trọng điểm của huyện
- Khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho gia đình chính sách, người có công và người nghèo
- Hưng Hà: Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp Hưng Nhân
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ, kết quả tham mưu ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành một số luật
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng doanh nhân, doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Chúc mừng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
- Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc mừng một số doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố Thái Bình