Thứ 2, 25/11/2024, 08:14[GMT+7]

Cần tăng tốc, bứt phá trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải

Thứ 5, 08/08/2024 | 16:19:44
11,941 lượt xem
Sáng ngày 8/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo. Dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, sau phiên họp thứ 12, Thủ tướng Chính phủ đã giao 57 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương, đến nay các đơn vị đã hoàn thành 20 nhiệm vụ đúng thời hạn, đang tích cực triển khai 30 nhiệm vụ.

Hiện nay, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 2.021km đường cao tốc. Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang triển khai thi công 38 dự án, dự án thành phần với tổng chiều dài 1.700km, trong đó có 25 dự án, dự án thành phần với tổng chiều dài 1.104km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tiến độ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; đồng thời bổ sung, làm rõ nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án và đề xuất phương án tháo gỡ liên quan đến thủ tục đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án…

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Lại Văn Hoàn Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, đến nay báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được hội đồng liên ngành họp thẩm định và có thông báo kết luận. UBND tỉnh và nhà đầu tư đề xuất dự án đang tổ chức rà soát, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của hội đồng thẩm định để hoàn thiện báo cáo. Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 552/TTg-CN, ngày 26/7/2024. Tỉnh đã hoàn thiện, nộp hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường về Bộ Tài nguyên và Môi trường; hoàn thành bước khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án. Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án đang được triển khai khẩn trương. Về nguyên vật liệu phục vụ dự án, theo tính toán cần khoảng 13,2 triệu mcát, trong đó Thái Bình cần khoảng 6,85 triệu m3. Hiện tỉnh đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu; phấn đấu khởi công dự án vào cuối tháng 11/2024.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn, cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường các dự án.

Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống định mức và hướng dẫn xác định giá vật liệu; thủ tục điều phối nguồn vật liệu san lấp, nâng công suất khai thác mỏ, cấp phép khai thác mỏ…

Thủ tướng cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, khối lượng công việc từ nay đến năm 2025 và thời gian tới còn rất lớn, cần phải tăng tốc, bứt phá trong triển khai các dự án. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm” phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là các chủ đầu tư, nhà thầu tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc” để chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Thủ tướng chỉ rõ, giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đường găng tiến độ của dự án. Nhiều dự án còn khối lượng giải phóng mặt bằng ít nhưng lại là chỗ khó, nên các địa phương tập trung, quyết liệt hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 54/CĐ-TTg, ngày 28/5/2024 để sớm nhất hoàn thành giải phóng mặt bằng. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai để hoàn thành trong tháng 8/2024 toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án chủ động tìm kiếm, xác định nguồn vật liệu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện thủ tục cấp mỏ bảo đảm nguồn vật liệu đắp, đáp ứng tiến độ các dự án.

Về thi công, Thủ tướng chỉ rõ, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản dự án nghiên cứu giải pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đôn đốc nhà thầu huy động đầy đủ nhân, vật lực, tổ chức thi công đáp ứng kế hoạch đề ra, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng công trình. Cần thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”, “làm việc nào dứt việc đó”, “đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm” để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết thủ tục đầu tư các dự án, đồng thời các bên liên quan đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công nghiêm túc, công khai, minh bạch, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; đồng thời giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuyển các bộ, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền.

Nguyễn Thơi