Thứ 6, 23/08/2024, 13:28[GMT+7]

Sửa đổi Luật Điện lực cần bám sát Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

Thứ 2, 19/08/2024 | 19:35:53
1,156 lượt xem
Thảo luận dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất, việc sửa đổi Luật cần bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 19/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn

Dự thảo Luật có 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành), trong đó, giữ nguyên 1 Điều so với Luật hiện hành.

Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội về xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn.

Cụ thể là các chính sách: quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực cần bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các ý kiến tập trung thảo luận về chính sách của Nhà nước trong phát triển điện lực; quy hoạch điện lực quốc gia cần phù hợp với Luật Quy hoạch, theo quy trình của đầu tư công; phát triển năng lượng tái tạo và các loại năng lượng mới là cần thiết, phù hợp với cam kết quốc tế và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về giá điện…

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển năng lượng tái tạo và các loại năng lượng mới, trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cần làm rõ chính sách cũng như tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư. Ngoài ra, cần chú trọng đến bảo đảm an ninh năng lượng, phân phối điện; nghĩa vụ của các nhóm liên quan đến quản lý Nhà nước về bảo đảm an ninh, cung cấp điện; Chính sách phát triển năng lượng điện cạnh tranh...

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý về đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội trong xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn, bởi đây là những chính sách tác động tới người dân, liên quan đến nhiều đối tượng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH).

Với đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào tháng 10/2024 có đủ tiêu chuẩn hay không, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần làm rõ hơn. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc thúc đẩy lưới điện, bảo đảm an ninh mạng lưới điện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội; phát triển năng lượng; điện gió ngoài khơi...

Đối với việc thực hiện cơ chế giá điện, minh bạch trong hoạt động mua bán, điều tiết về giá điện cần có sự nhất quán, phù hợp với các bên. Giá điện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét phù hợp hay chưa.

Tất cả những nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ và các cơ quan cần bám sát, quán triệt nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, để bảo đảm chất lượng dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp, đồng thời lưu ý một số vấn đề.

Cụ thể, tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đáp ứng yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch cho thị trường quyết định kết nối với thị trường khu vực và thế giới, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH).

Khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, triển khai tích trữ điện năng, có cơ chế đấu thầu, đấu giá, cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo và các dự án năng lượng mới.

Thực hiện nghiêm quy định 178 về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, rà soát các quy định để bảo đảm nguyên tắc không hợp thức hóa các sai phạm, đặc biệt các quy định về cơ chế xử lý các nguồn điện chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa hơn các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để bảo bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, giảm đầu tư công.

Rà soát, làm rõ, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến của cơ quan thẩm tra về phạm vi điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch, cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; đầu tư xây dựng dự án công trình điện lực, dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng dự án công trình điện khẩn cấp; tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện, nguồn điện, lưới điện thông qua phương thức đấu thầu, các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư…

Đồng thời, rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các nội dung của các luật nêu trong Phụ lục của Báo cáo thẩm tra, trong đó có Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Nông nghiệp, Luật Xây dựng và các luật sẽ thảo luận và thông qua trong các kỳ họp sắp tới như Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, làm rõ các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình, thuyết phục các ý kiến tham gia để sớm trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày