Văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới Kỳ 1: Giữ nếp làng, hồn quê
Với đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình, cư dân, Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ. Nét đẹp truyền thống quý báu trong văn hóa xưa và nay trở thành nhân tố quan trọng, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Trao truyền thông điệp tiền nhân để lại
Thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà) ngày nay là mảnh đất địa linh, từ xa xưa có tên Tinh cương hương, Thái Đường phường. Đến năm Thành Thái thập nhị được tách thành 3 làng: Thái Đường, Phú Đường, Ngọc Đường. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được nhập lại, lấy tên thôn Tam Đường cho đến ngày nay. Là đơn vị hành chính loại 1 của xã Tiến Đức - xã NTM nâng cao năm 2021, thôn Tam Đường đã tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống thông qua công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội để góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Ông Lê Văn Vũ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn thông tin: Với bề dày truyền thống lịch sử, cán bộ và nhân dân trong thôn luôn có ý thức trách nhiệm bảo quản, gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đã có trên mảnh đất này. Ngoài việc tham gia lễ hội đền Trần là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhân dân trong thôn còn bảo tồn lễ hội giao chạ truyền thống hơn 700 năm. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được gắn với các hoạt động văn hóa tâm linh làm động lực thực hiện các tiêu chí về văn hóa.
Bảo tồn nghệ thuật chèo gắn với các lễ hội truyền thống của làng quê.
Cùng về đích NTM nâng cao năm 2021, kế thừa và phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Khê (Quỳnh Phụ) nỗ lực vượt qua khó khăn, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Trong đó, các di tích lịch sử, trò chơi dân gian gắn liền với những ngày hội làng được mọi tầng lớp nhân dân chung tay gìn giữ.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng thôn An Quý, xã An Khê chia sẻ: Đình làng An Quý là nơi thờ 3 vị tôn thần, phối thờ Thánh Mẫu Quế Hoa công chúa, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Cẩm Quận công Vũ Sùng Khê - người đã đứng ra hưng công chủ trì trùng tu tôn tạo đình An Quý. Theo chúng tôi được biết, đã có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra tại đình làng như nơi đây là địa điểm phát chẩn cứu đói cho nhân dân; là nơi tập trung nhân dân, dòng người các thôn tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng; nơi tiễn đưa con em quê hương lên đường tham gia kháng chiến... Chứng tích của những dấu mốc lịch sử đến ngày nay vẫn lưu giữ tại đình. Từ sự chung tay góp sức của nhân dân, trong 2 năm 2016 - 2017, đình An Quý được tu bổ, tôn tạo với 5 gian tòa đại bái. Đình không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn như ngôi nhà chung của dân làng.
Tháng 11/2023, với những giá trị về lịch sử, văn hóa, đình An Quý là 1 trong 10 di tích vinh dự đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Trên địa bàn huyện hiện có 19 di tích cấp quốc gia, hơn 90 di tích cấp tỉnh. Trong quá trình xây dựng NTM, mỗi người dân đều tự hào về văn hóa làng cho thấy quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản của các tầng lớp nhân dân. Sau khi đình An Quý được xếp hạng di tích cấp tỉnh, địa phương chú trọng quản lý và phát huy giá trị di tích. Với các hoạt động trong lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm, nhân dân luôn là chủ thể sáng tạo, thụ hưởng giá trị văn hóa, từ đó góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết trong khu dân cư, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ di tích một cách vững bền.
Sáng tạo từ giá trị văn hóa truyền thống
Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh là thành tố quan trọng của kho tàng di sản văn hóa, mang thông điệp của quá khứ được thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau. Trên cơ sở truyền thống đó, các thế hệ tiếp nối và sáng tạo nên giá trị văn hóa mới.
Thế hệ trẻ chung tay gìn giữ văn hóa quê hương trong lễ hội truyền thống.
Năm 2023, lần đầu tiên cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm sân khấu chèo, bài hát chèo được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thu hút hàng trăm tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Trong đó có những tác giả tham gia nhiều tác phẩm ở cả thể loại tiểu phẩm sân khấu và bài hát đã cho thấy tình yêu, niềm tự hào và mong muốn góp phần phát huy bản sắc văn hóa quê hương. Nhiều tác phẩm mang giá trị về nội dung, nghệ thuật, ca ngợi truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình.
Đạt giải ba cuộc thi ở thể loại kịch bản tiểu phẩm sân khấu chèo với tác phẩm “Hội làng tôi”, tác giả Nguyễn Hồng Vân cho biết: Niềm đam mê, tình yêu chèo đã ngấm vào máu thịt nên tham gia cuộc thi có những tác giả đã trên 70, 80 tuổi vẫn ngày ngày miệt mài gắn bó với văn hóa cơ sở, với việc sáng tác và tham gia vào đội tuyên truyền lưu động. Các đội văn nghệ truyền thống, đặc biệt là ở thôn, làng đều rất cần những tác phẩm chèo mang hơi thở cuộc sống đương đại để tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều bài hát, tiểu phẩm chèo về những câu chuyện gần gũi, thiết thực đã được sáng tác, dàn dựng, từ thưởng thức nghệ thuật chèo truyền thống mọi người dân thêm tích cực hưởng ứng phong trào thi đua.
Sau thành công của cuộc thi, hơn 30 tác phẩm đạt giải ở các thể loại đã được biên tập, phát hành, dàn dựng, biểu diễn tại khắp các địa bàn, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Thái Bình trong công cuộc đổi mới, đồng thời tạo không gian lan tỏa nghệ thuật cổ truyền. Hoạt động bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh không những gìn giữ nét đẹp của làng quê mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí về kế thừa, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM nâng cao.
(còn nữa)
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình