Chủ nhật, 22/12/2024, 20:55[GMT+7]

Đường lên Đền Hùng có bao nhiêu bậc đá

Thứ 6, 07/04/2023 | 13:51:54
16,130 lượt xem
Đền Hùng là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt của Quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng hay còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh có độ cao 175m so với mặt nước biển. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên. Đi từ cổng chính lên tới Đền Thượng sẽ thấy địa thế hùng vĩ, đất khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ nhưng ít ai biết mình đã đi qua bao nhiêu bậc đá.

Nhiều cuốn sách giới thiệu về Khu di tích lịch sử Đền Hùng có viết về con đường này. Tất cả đều nói rằng, trong cuộc đại trùng tu 6 năm liền từ 1917- 1922, nhân dân 18 tỉnh Bắc bộ đã cung tiến tiền để tôn tạo đền Thượng, Lăng Vua và đền Giếng. Riêng nhà tư sản Nghĩa Lợi cung tiến 1.000 đồng tiền Đông Dương để xây 539 bậc. Sau nhiều lần trùng tu, cải tạo mà gần đây nhất là việc cải tạo hệ thống đường, bậc lên xuống các Đền tại núi Nghĩa Lĩnh bằng việc thay thế toàn bộ đá xây, đá lát, đá bó vỉa từ đá Hải Lựu bằng đá granit Bình Định màu ghi do các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu đóng góp. Thế nhưng cụ thể Đền Hùng có bao nhiêu bậc và phân bổ ở các đền chính như thế nào thì không phải nhiều người biết.

Bậc đá lên Đền Hùng bằng đá Hải Lựu (ảnh trái) nay được thay bằng đá granit Bình Định màu ghi (ảnh phải)

Ðiểm bắt đầu của Khu di tích Ðền Hùng là Ðại môn (cổng Ðền Hùng) dưới chân núi Nghĩa Lĩnh được xây dựng vào năm 1917. Giữa tầng một của cổng có bức đại tự: Cao sơn cảnh hành (lên núi cao nhìn xa rộng). Leo thêm 225 bậc, du khách lên đến Ðền Hạ và chùa Thiên Quang. Ngôi đền do dân làng Vi Cương, xã Chu Hóa (nay là thị trấn Hùng Sơn) huyện Lâm Thao xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ 17 - 18) mà theo truyền thuyết là nơi Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở thành trăm người con trai. Chùa Thiên Quang được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ 13-14). Chùa có quả chuông nặng gần một tấn, ba tấm bia đá ghi công đức và các việc trùng tu sửa đường lên núi Hùng và bài ký ghi lại việc trùng tu chùa Thiên Quang từ năm 1844 đến 1850. Trước chùa Thiên Quang có cây thiên tuế, bên cạnh Đền Hạ là nhà bia có kiến trúc hình lục giác với 6 mái. Nơi đây có đặt tấm bia đá khắc dòng chữ quốc ngữ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ đền Hạ, du khách leo thêm 168 bậc sẽ tới đền Trung. Đền có tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu", tương truyền đây là nơi các vua Hùng bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy cho vua cha nhân dịp tết cổ truyền cũng tại đây. Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá sẽ đến đền Thượng- nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với tên chữ là "Kính Thiên lĩnh điện" (Ðiện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Theo sử sách và lưu truyền dân gian, đây là nơi Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh. Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi đã dựng cột đá thề ở đền Thượng để thề trông nom và giữ gìn cơ nghiệp họ Hùng. Từ đền Thượng đi xuống đền Giếng, đây là nơi thờ 2 công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa là con gái vua Hùng thứ 18.

Ngoài 3 đền chính, trong quần thể Khu di tích còn có Lăng Hùng Vương; cột đá thề, giếng cổ…đều gắn liền với những điển tích thời Hùng Vương dựng nước đáng để du khách tìm hiểu, khám phá.

Theo Báo Phú Thọ

  • Từ khóa