Chủ nhật, 22/12/2024, 20:42[GMT+7]

Giữ gìn và phát huy giá trị các bảo vật Quốc gia

Thứ 3, 11/04/2023 | 11:12:41
3,302 lượt xem
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có năm bảo vật Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là: Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng; Tượng Mẫu Âu Cơ thuộc Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Sưu tập Nha Chương thuộc Bảo tàng Hùng Vương và Bệ đá hoa sen chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao. Đây đều là những hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu được bảo tồn và gìn giữ qua nhiều đời nay…

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng - cán bộ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng giới thiệu về các bảo vật Quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương, thuộc Khu di tích.

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng – Phó trưởng phòng Quản lý di tích văn hóa lễ hội, Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng cho biết: Tại Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu di tích đang trưng bày gần 700 hiện vật và tư liệu hình ảnh, tài liệu, trong đó các hiện vật khảo cổ được lựa chọn trưng bày thuộc bốn giai đoạn văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Trong số các hiện vật được trưng bày có hai bảo vật Quốc gia là Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng.

Trống đồng Đền Hùng được tìm thấy ngày 5/8/1990 ở mé Tây núi Nghĩa Lĩnh, cách Đền Hùng gần 500m. Theo các nhà khảo cổ học, trong tổng số gần 1.000 trống đồng Đông Sơn được tìm thấy đến nay, đây là chiếc trống đồng thuộc loại Heger I duy nhất tìm được quanh khu vực Đền Hùng nói riêng và khắp vùng tả ngạn sông Thao (từ Lào Cai về đến Việt Trì). Trống nặng 90kg, có đường kính mặt 93cm, đường kính đáy 94cm, cao 66cm. Trống có kiểu dáng cân đối, được đúc liền mạch, kết cấu vững chãi thể hiện trình độ và kỹ thuật luyện kim đúc đồng đã đạt tới đỉnh cao, trang trí bằng những hoa văn tinh xảo, khá phong phú và cách điệu cao, miêu tả cảnh sinh hoạt rất sinh động, phản ánh tư duy và cuộc sống của con người. Hình người được cách điệu, hình chim lạc, cóc sinh động cho thấy nghệ thuật trang trí đã đạt tới mức điêu luyện.

Các bảo vật Quốc gia được trưng bày, bảo quản nghiêm ngặt.- Bảo vậy Quốc gia: Trống đồng Đền Hùng được đặt trong tủ kính năm mặt, trong tủ lắp đặt thiết bị báo động chống trộm…

Thân trống chia làm ba phần: Tang phình ra to hơn mặt trống, thể hiện rõ nét sự tồn tại của người Lạc Việt thời cổ đại với các hình thuyền, hình người được bố trí đồng đều, xen kẽ giữa các hoa văn lông công, vành tròn, vạch xiên... Theo ý kiến của một số nhà khoa học, đây có thể là chiếc trống đã được sử dụng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để cầu cho mưa thuận, gió hòa của cư dân nông nghiệp.

Bảo vật Quốc gia: Bộ khóa đai lưng bằng đồng.

Bảo vật Quốc gia Bộ khóa đai lưng bằng đồng (niên đại văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2500 - 2300 năm), được phát hiện trong lần khai quật di chỉ khảo cổ Làng Cả (phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì) vào năm 1976. Bộ khóa làm từ chất liệu đồng thau, màu xanh xám, gồm bốn cặp rùa (tám con) móc lại với nhau. Theo nghiên cứu của các nhà lịch sử, khoa học, bảo vật này biểu trưng cho quyền lực của thời Hùng Vương, người đeo bộ khóa đai lưng bằng đồng này là các thủ lĩnh. Cùng với giá trị chứng minh lịch sử, bộ khóa đai lưng bằng đồng còn thể hiện trình độ luyện kim đồng thau tinh xảo, tư duy thẩm mỹ cao của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương. Đặc biệt, nghệ thuật trang trí rất tinh tế và có tính biểu tượng cao với việc tạo hình mặt ngoài của mỗi bộ phận trong đai lưng là hình bốn con rùa và xen lẫn với các hoa văn xoắn ốc hình chữ S. Hình rùa chạm trên mặt đai lưng cũng đã được cách điệu rất độc đáo. Chính nhờ điều này mà bộ khóa đai lưng bằng đồng thời Hùng Vương được các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đề nghị xếp vào danh mục bảo vật Quốc gia còn vì sự hiếm có của nó.

Ông Lê Trường Giang - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Nhằm tăng cường công tác bảo vệ an toàn cho các bảo vật Quốc gia, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã lắp đặt hệ thống camera giám sát để hỗ trợ công tác bảo vệ; hệ thống báo động chống trộm; các phương tiện phòng chống cháy nổ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Hai bảo vật: Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng đều được đặt trong tủ kính năm mặt, trong tủ lắp đặt thiết bị báo động chống trộm; đồng thời bố trí một đội bảo vệ gồm 3 người thay phiên nhau trực gác 24/24h. Các bảo vật được trưng bày ở vị trí dễ thấy để thu hút người dân và du khách đến thăm quan. Hàng năm, riêng Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng đón khoảng trên 5 nghìn du khách đến thăm quan, chủ yếu là trong dịp lễ hội.

Không chỉ có hai bảo vật Quốc gia đang được trưng bày tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các bảo vật khác của tỉnh như: Tượng Mẫu Âu Cơ thuộc Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Sưu tập Nha Chương thuộc Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì và Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao cũng được các cấp, các ngành, địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm bảo vật Quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau, có ý nghĩa, giá trị rất đặc biệt. Các hiện vật được tìm thấy, lưu giữ đã chứng minh văn hóa thời đại Hùng Vương tồn tại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ lâu đời. Trong đó, mặc dù không phải là hiện vật khảo cổ như Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng hay Bộ sưu tập Nha Chương, Tượng Mẫu Âu Cơ có giá trị độc bản, gắn với văn hóa thời đại Hùng Vương, là hiện vật chứng minh cho tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Điểm đặc biệt, đây là tín ngưỡng thờ người Mẹ sinh ra dân tộc Việt, gắn liền với cuộc sống nhân sinh, lịch sử dân tộc và quá trình khai sinh lập ấp, hình thành dân tộc… Khẳng định truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt.

Bảo vật Quốc gia: Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng huyện Lâm Thao.

Bảo vật Quốc gia là dấu mốc khẳng định những giá trị văn hóa phi vật thể độc nhất của nền văn hóa thời kỳ Hùng Vương dựng nước trên vùng Đất Tổ - Phú Thọ trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bảo vật Quốc gia là tài sản vô giá không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học, các bảo vật quốc gia còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế… Vì vậy, ngoài việc bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật Quốc gia còn cần chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu, xuất bản các ấn phẩm chuyển tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật, là các tài liệu hữu ích và cần thiết trong tôn vinh, quảng bá văn hóa, lịch sử cũng như các giá trị tốt đẹp của dân tộc với du khách trong nước và quốc tế, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong hành trình trở về với nguồn cội.

Theo baophutho.vn 

  • Từ khóa