Chủ nhật, 22/12/2024, 20:05[GMT+7]

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Thái Bình

Chủ nhật, 30/04/2023 | 09:52:25
16,377 lượt xem
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thường được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương. Theo kết quả kiểm kê di tích của Bảo tàng tỉnh thì trong truyền thống, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng khá phổ biến ở Thái Bình. Ngoài những làng thờ các thiên thần đã phò giúp Hùng Vương như Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh, Thiên Bồng đại vương… còn có tới không dưới 50 làng xã có tục thờ Vua Hùng cùng những người quê ở Thái Bình đã có công dẹp giặc thời Hùng Vương hoặc là cung phi của các Vua Hùng.

Xã Văn Lang, huyện Hưng Hà.

Do biến thiên của thời gian và trải thăng trầm của lịch sử, cho đến nay các loại hình thiết chế tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Thái Bình như đình, đền, miếu, phủ… đã bị hư hao nhiều. Vào thời điểm hiện tại thì Hưng Hà là huyện còn nhiều thiết chế loại này nhất. Có lẽ đến nay trên địa phận tỉnh Thái Bình chỉ còn duy nhất một ngôi đền thờ Vua Hùng. Đó là ngôi đền tọa lạc tại thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà mà xưa nay dân trong vùng quen gọi là đền Nhà Vua. Theo thần tích thì đền Nhà Vua thờ Phật Đại Đạo Thiên Tôn cùng Hùng Nghị Vương (vua Hùng đời thứ 17) và ngũ vị Thành hoàng là những vị nhân thần có công giúp vua Hùng chống giặc. Những năm gần đây, Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện là người con của quê hương Thượng Ngạn đã hưng công xây dựng, tôn tạo ngôi đền này thành một thiết chế tín ngưỡng khá nguy nga, bề thế.

Trên cùng một dải đất cổ, nay thuộc xã Văn Lang, nằm kề bên làng Thượng Ngạn là làng Thưởng Duyên có tục thờ Thành hoàng làng là một người con gái họ Vũ. Theo truyền thuyết thì vào đời Hùng Chiêu Vương, tức vua Hùng thứ 15, ở trang Thưởng Duyên, bộ Chu Diên, nay là làng Thưởng Duyên (tên Nôm là làng Vẹ), có người con gái họ Trần, lấy chồng họ Vũ, sinh được một mỹ nữ là Vũ Thị Như Sơn được vua Hùng Chiêu Vương tuyển làm cung phi. Ở với vua 10 năm mà không sinh được con, nàng bèn xin vua về quê sinh sống, nguyện làm việc thiện. Được vua Hùng chấp thuận, về quê bà tập hợp dân binh khẩn hoang cày cấy, biến vùng đất hoang vu thành đồng đất tốt tươi. Cùng với việc giúp dân phát nghiệp nông tang, bà còn dạy dân lễ nghĩa, đem đức độ giáo hóa cho dân. Gặp năm mất mùa, bà đem thóc gạo phát chẩn cho dân. Nhờ đó mà dân không nhà nào bị chết đói. Sau khi bà qua đời, dân trang Thưởng Duyên đã lập đền thờ, tôn bà làm Thành hoàng làng để muôn đời thờ phụng.

Đình Cả tại thôn Bao Hàm, nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy thờ 5 vị Thành hoàng là thuộc tướng của nhà Thục (257 trước Công nguyên - 208 trước Công nguyên), trong đó có 3 vị mang họ Vũ là Nhất Lân, Nhị Lân, Tam Lân. Theo truyền thuyết thì vào thời Thục Phán (An Dương Vương) có người là Vũ Công đến lập nghiệp ở làng Bao Hàm làm nghề đánh cá và sinh được ba người con đều được đặt tên là Lân. Ba người con trai của Vũ Công theo Thục An Dương Vương đánh giặc và được phong các chức Thủy trào thống chế, Khanh đại phu và Triều chính đại phu. Trải các triều đều có sắc phong và gia phong mỹ tự. Ngôi đình này đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.

Khá nhiều làng cổ của Thái Bình có tục thờ Thánh Mẫu với lai lịch là những mỹ nữ tài hoa, đức hạnh thời Hùng Vương. Làng Dũng Thúy, nay thuộc xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư có phủ thờ Thánh Mẫu và miếu thờ phúc thần. Theo thần tích thì bà Lan Hoa sinh vào đời vua Hùng Huy Vương (Hùng Vương thứ 6) ở trang Dũng Thúy, có chồng là Hùng Phương. Hai vợ chồng sinh được một trang nam nhi tuấn tú là Tây Công. Khi có giặc Ân xâm lược, Tây Công đã cùng Thánh Gióng đánh giặc. Giặc tan, Tây Công trở về Dũng Thúy, ra sông Mỹ Lộc tắm và hóa thân. Dân làng lập phủ thờ Thánh Mẫu Lan Hoa và miếu thờ Tây Công.

Làng Phương Ngải, nay thuộc xã Bình Minh, huyện Kiến Xương có tục thờ hai mẹ con là Bà Niệm và Mang Công. Theo sự tích thì Bà Niệm là con nuôi của Lê Công Mỹ ở trang Phương Ngải được Hùng Nghị Vương (Hùng Vương thứ 17) chọn làm cung phi và sinh được Mang Công. Khi Bà Niệm mất, Mang Công đưa về an táng tại Phương Ngải. Khi có giặc, Mang Công đã giúp vua đánh tan giặc rồi về khao thưởng dân làng rồi hóa thân ở Phương Ngải. Dân lập hai ngôi miếu thờ hai mẹ con làm phúc thần.

Làng Cổ Tiết, tục gọi là làng Rét, nay thuộc xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ thờ Thượng đẳng phúc thần Thánh Mẫu Liên Nương là cung phi thứ 8 của Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18). Theo thần tích thì Liên Nương là con gái ông Đỗ Công Điềm và bà Hoàng Thị Nguyệt người trang Cổ Tiết. Liên Nương là một người tài sắc, được Hùng Duệ Vương chọn vào cung, phong làm Đỗ Mẫu Thánh Hậu. Cuối đời bà xin vua về an cư tại Cổ Tiết dạy dân cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm, giáo hóa thuần phong mỹ tục. Khi bà qua đời dân làng lập miếu thờ làm phúc thần.

Đền Tam Tòa (đền Chòi) thuộc thôn Chỉ Bồ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy thờ hai anh em Trần Đồng Công và Trần Điền Công quê ở đất này là thuộc tướng của Hùng Vương đã có công đánh tan giặc Xích Quỷ (mũi đỏ) đến quấy phá miền biển Đông Hải. Ngôi đền này nổi tiếng đền thiêng.

Làng Mai Diêm, nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, thuở trước là trang Hoa Diêm có đền thờ Thánh Mẫu Ngọc Nương và hoàng tử Long Vương. Theo sự tích vào đời vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) có ông Phạm Hải ở trang An Cố, nay thuộc xã An Tân, huyện Thái Thụy, vợ là Trần Thị Lựu ở ấp Hoa Diêm nhận một mỹ nữ là Ngọc Nương làm con nuôi. Một lần ra biển tắm, Ngọc Nương gặp một con giao long cuốn lấy thân và mang thai sinh ra chàng Ba vốn là hoàng tử Long Vương đầu thai để giúp Hùng Duệ Vương đánh Thục Phán.

Hai làng Ô Mễ và Mễ Sơn nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư có tục thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Tiên Dung là công chúa của Hùng Vương thứ 18. Sự tích lý giải về địa danh Ô Mễ, Mễ Sơn là khi Tiên Dung và Chử Đồng Tử đi chu du qua vùng đất này, dân được hai người cho giống lúa hạt dài, gạo có màu đen. Giống lúa này chịu được hạn, úng, chua, mặn, sau vài năm lúa chất như núi. Từ đó hai làng có tên gọi Ô Mễ (gạo đen), Mễ Sơn (núi gạo)…

Làng Cổ Dũng, xã Đông La, huyện Đông Hưng thờ Ả Nữ và Chàng Kha là con gái và con trai của nhà họ Nguyễn ở trang Cổ Dũng đã có công phò giúp Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) dẹp loạn. Ả Nữ được phong là Lạc tướng, Chàng Kha được phong là Bồ chính.

Làng Bảo Nguyên nay là thôn Thọ Khê, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà thờ Đại Đạo đại vương và Đại Hải đại vương là hai thuộc tướng của Hùng Duệ Vương làm thành hoàng. Theo truyền thuyết thì vào đời Hùng Duệ Vương ở trang Bảo Nguyên có 23 trai đinh của làng theo vua đi đánh giặc. Hàng năm, làng Thọ Khê vẫn có hội tiễn thuyền để tưởng nhớ cuộc tiễn đưa 23 chàng trai xưa của làng theo Hùng Vương đi đánh giặc.

Ngoài tục thờ các thiên thần và nhân thần có công phò giúp các đời Hùng Vương, hoặc cung phi của các Vua Hùng, một số làng quê ở Thái Bình còn thờ Lạc Long Quân, Mẫu Âu Cơ, An Dương Vương với những sự lệ riêng. Có thể coi đó là cội nguồn của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Loại tín ngưỡng này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)