Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng trong thành tựu chung thực hiện đường lối Đại hội XIII
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đứng đầu là đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước (1).
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng về các định hướng, chủ trương lớn cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.
Theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đầu tiên của Đảng (12/2021) đã quán triệt trong toàn Đảng đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và những quan điểm, phương châm và phương hướng lớn cho quá trình triển khai thực hiện. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TW (tháng 1/2023) về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII - nghị quyết toàn diện đầu tiên của Đảng về đối ngoại kể từ Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (năm 1988).
Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận đối với các đối tác và lĩnh vực đối ngoại. Theo đó, vị trí, mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp lớn đối với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được xác định rõ, đầy đủ hơn.
Các đề án, chiến lược và kế hoạch được thông qua về quan hệ với các đối tác quan trọng, hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại công an nhân dân, ngoại giao kinh tế, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Đảng, Nhà nước cũng kịp thời xác định chủ trương đối với các vấn đề quốc tế phức tạp nảy sinh. Công tác tổng kết lý luận đạt được những kết quả mới, trong đó có xây dựng và nghiên cứu nội hàm trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” và tổng kết lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực đối ngoại qua 40 năm đổi mới.
Các hoạt động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng và thiết thực. Đối ngoại song phương đã giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tin cậy chính trị, mở ra những điều kiện mới và cả những đột phá trong hợp tác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Đặc biệt là những phát triển có ý nghĩa lớn, lâu dài và nhiều mặt trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng chung đường biên giới trên bộ là Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước khác ở Đông Nam Á và các nước lớn như Mỹ và Nga, các nước và nhóm nước có vị trí quan trọng ở các khu vực và ảnh hưởng toàn cầu như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU. Quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở các châu lục, trong đó có quan hệ với Cuba tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Những khuôn khổ hợp tác mới được xây dựng với các nước đang khẳng định vị trí mới về chính trị, kinh tế như các nước ở Trung Đông. Mạng lưới quan hệ đối tác của Việt Nam được mở rộng, gồm bảy nước Đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước Đối tác chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện, trong đó có năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngoại giao nguyên thủ, ngoại giao cấp cao đã tạo những đột phá mới, thúc đẩy chiều sâu và nâng tầm quan hệ của Việt Nam với các đối tác. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 54 chuyến thăm song phương và hoạt động đối ngoại đa phương, đón hơn 60 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam, tiến hành gần 100 cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến và tham dự hơn 30 hội nghị quốc tế trực tuyến.
Trong đó có những hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng như chuyến thăm Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2022), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024), chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), cuộc gặp lần đầu sau 30 năm giữa ba nhà lãnh đạo cao nhất ba Đảng của Việt Nam-Campuchia-Lào (năm 2021, tại Hà Nội), chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden (9/2023) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (6/2024) theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng ta.
Chỉ thị 25 của Ban Bí thư (năm 2018) tiếp tục được tích cực thực hiện, thể hiện vai trò Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Việt Nam đã tham gia chủ động, phát huy vai trò, đồng thời thúc đẩy những lợi ích, quan tâm chính đáng tại các cơ chế đa phương quan trọng của khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, các cơ chế Mê Công và Liên hợp quốc.
Nước ta cũng đã có những đóng góp vào việc định hình, xây dựng luật lệ, phương thức hoạt động của các cơ chế đa phương, thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề toàn cầu trong tình hình mới và mở rộng hình thức tham gia hoạt động đa phương như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, các hoạt động cứu trợ, cứu nạn quốc tế. Đảng ta tăng cường sự tham gia, đóng góp tại các cơ chế đối ngoại đa phương của các chính đảng như Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP).
Trong cả các khuôn khổ song phương và đa phương, đối ngoại phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đường biên giới trên bộ được củng cố là đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển, xử lý thỏa đáng các vấn đề phức tạp nảy sinh, hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia.
Đồng thời, chúng ta cũng tích cực thúc đẩy những quan tâm, nỗ lực chung nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tại Biển Đông. Đối ngoại cũng đóng vai trò tích cực trong việc đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thượng tôn pháp luật.
Hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế tiếp tục giúp mở rộng không gian hợp tác, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, tạo thêm các cơ hội mới về thương mại, đầu tư. Ngoại giao vắc-xin đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời có những đóng góp với các nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Hợp tác kinh tế với các đối tác mới có khuôn khổ quan hệ cao hơn đều có bước tiến thực chất, như tham gia các cơ chế kinh tế, thương mại mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; ký kết, thúc đẩy các FTA mới với Israel, EFTA, UAE, Canada; ODA thế hệ mới với Nhật Bản và các khuôn khổ hợp tác trong những vấn đề quốc tế mới, tác động trực tiếp đến phát triển bền vững như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Quan hệ đối tác kinh tế xanh-kinh tế số với Singapore, Đối tác chiến lược xanh với Đan Mạch.
Sự phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả và ngày càng phát huy hiệu quả. Đối ngoại Đảng có nhiều chuyển biến thực chất, góp phần củng cố nền tảng chính trị lâu dài cho quan hệ đối tác.
Đảng ta mở rộng quan hệ với hơn 260 đảng tại 115 nước trên thế giới, trong đó có hai phần ba là các đảng cầm quyền hoặc tham gia liên minh cầm quyền, nhiều đảng cộng sản, công nhân thế giới. Công tác đối ngoại nhân dân được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức nhân dân tích cực, chủ động mở rộng quan hệ với các cơ chế nhân dân, phi chính phủ quốc tế, tạo nền tảng xã hội thuận lợi cho quan hệ song phương, đóng góp tích cực cho phong trào nhân dân thế giới tiến bộ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Sự phối hợp giữa các cơ quan đối ngoại, quốc phòng, công an nhân dân, các lĩnh vực công tác đối ngoại ngày càng chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả hơn trong theo dõi tình hình, tham mưu và thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và phát huy sự tham gia của hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương.
Công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm, đạt kết quả cụ thể cả về chủ trương, chính sách và trong thực tiễn.
Thực tiễn cho thấy nhiều cơ sở để khẳng định là trên cơ sở sức mạnh tổng hợp của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra một cơ hội chiến lược và cục diện thuận lợi mới về đối ngoại thời kỳ đổi mới trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội XIII đã đề ra.
Những nhiệm vụ lớn của công tác đối ngoại trong thời gian tới là tích cực góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội XIII đề ra, tham mưu xây dựng đường lối của Đại hội XIV, phát huy cơ hội và cục diện đối ngoại thuận lợi mới, khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh công tác đối ngoại theo tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu là tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, thực hiện tốt hơn nữa vai trò tiên phong của đối ngoại đã được Đại hội XIII đề ra và củng cố vai trò, vị trí của Việt Nam trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại(2).
(1) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Hà Nội, ngày 19/12/2023.
(2) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại Quốc hội sau khi được bầu làm Chủ tịch nước ngày 22/5/2024 và họp báo ngày 3/8/2024 sau khi được bầu làm Tổng Bí thư.
LÊ HOÀI TRUNG, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam