Chủ nhật, 22/12/2024, 13:21[GMT+7]

Tiền Hải: Đẩy mạnh phát triển du lịch

Thứ 2, 02/09/2024 | 21:51:42
1,946 lượt xem
Xác định phát triển du lịchlà một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Tiền Hải đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2040.

Biển cồn Vành.

Tiềm năng và lợi thế phát triển

Tiền Hải có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nguồn tài nguyên văn hóa của các di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực dân gian vùng sông nước, các làng nghề truyền thống. Với vị trí địa lý nằm trên vùng có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa được điều tiết bởi biển, có diện tích rừng ngập mặn lớn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ thống sông với lưu vực rộng, Tiền Hải có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển du lịch so với các tỉnh lân cận; cơ sở dịch vụ, du lịch tương đồng, sẽ có lợi thế trong việc xây dựng và quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch cộng đồng ở các xã trong huyện, tạo điều kiện cho du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Bà Trần Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch trong từng năm, từng giai đoạn. Đến nay, ngành du lịch Tiền Hải đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch từng bước được hoàn thiện. Toàn huyện hiện có 43 cơ sở lưu trú du lịch (18 khách sạn, 25 nhà nghỉ). Một số resort, khách sạn có quy mô lớn như resort Làng Việt, khách sạn Minh Châu...

Với trên 23km bờ biển gồm nhiều bãi ngang, bãi triều rộng, khu rừng ngập mặn gần 2.000ha, hàng vạn km2 lãnh hải, vùng biển Tiền Hải không chỉ đa dạng về ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp mà còn tạo điều kiện cho huyện tăng cường khả năng khai thác các dịch vụ tổng hợp nguồn lợi biển, trong đó có phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao. Đó là khu du lịch biển Đồng Châu, Cồn Vành được quy hoạch đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí lớn của vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng du lịch của huyện được nâng cấp, mở rộng, mạng lưới giao thông tương đối hoàn thiện. Toàn huyện hiện có 250 di tích lịch sử, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia, gần 100 di tích cấp tỉnh...

Mục tiêu và giải pháp thực hiện

Với điều kiện thuận lợi và hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch nhưng thực tế quá trình khai thác và phát triển du lịch của huyện còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế nên việc đóng góp của ngành du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo thống kê, khách du lịch đến Tiền Hải tăng trưởng chậm trong những năm gần đây và giảm mạnh vào những năm xảy ra dịch Covid-19, cụ thể năm 2018 đạt 30.000 lượt khách, hai năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chỉ đạt 5.000 - 6.000 lượt khách, năm 2022 đạt 70.000 lượt khách, năm 2023 đạt 80.000 lượt khách, 5 tháng đầu năm 2024 đạt 36.000 lượt khách.

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để tiếp tục khơi dậy tiềm năng du lịch, UBND huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch huyện Tiền Hải giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch Tiền Hải trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong tỉnh và khu vực, qua đó góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc xây dựng và triển khai đề án trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện và cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống người dân, tạo ra các sản phẩm mới về du lịch, góp phần xây dựng huyện Tiền Hải trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước.

Đề án phát triển du lịch huyện Tiền Hải giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040 xác định rõ các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2024 - 2025, thu hút khoảng 100.000 lượt khách; xây dựng các tour trong huyện, liên kết các công ty lữ hành, các điểm ăn uống, ẩm thực; xây dựng các điểm check in và trải nghiệm như điểm cuối sông Hồng, đền thánh Bác Trạch, rừng ngập mặn, bắt ngao, tôm... Giai đoạn 2026 - 2030, thu hút trên 400.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.000 lượt khách quốc tế, lượng khách tăng trung bình từ 11 - 13%/năm; phấn đấu xây dựng và khai thác 2 khách sạn cao cấp hạng từ 3 sao trở lên; có 1 khu du lịch cấp tỉnh và 3 điểm du lịch; doanh thu từ du lịch đến năm 2030 ước đạt 400 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10 - 12%/năm... Về định hướng không gian phát triển du lịch lấy khu du lịch sinh thái Cồn Vành (xã Nam Phú) làm trung tâm và các vùng bổ trợ; định hướng sản phẩm và thị trường du lịch là lúa gạo và cây bản địa, thủy sản phù hợp với nuôi sinh thái tự nhiên.

Theo ông Phạm Ngọc Kế: Để triển khai hiệu quả đề án phát triển du lịch, thời gian tới, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đưa mục tiêu phát triển du lịch vào nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp để thực hiện; bổ sung, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; hoàn thiện công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số trong phát triển du lịch.

 Du khách tắm biển tại Khu du lịch sinh thái Cồn Vành.

Trần Tuấn