Thứ 6, 19/04/2024, 17:37[GMT+7]

Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Thứ 3, 09/02/2021 | 18:06:59
4,169 lượt xem
Trong những năm qua, công tác thu hút đầu tư luôn được Thái Bình chú trọng thực hiện và coi đó là chìa khóa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đặc biệt là năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, trong khi các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị hạn chế thì Thái Bình vẫn quyết liệt thực hiện nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, từ đó đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tạo động lực thu hút đầu tư

Để thu hút được nhiều nhà đầu tư vào địa bàn, thời gian qua, Thái Bình luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung phân bổ nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, xây dựng hạ tầng giao thông nhất là các trục giao thông kết nối các đô thị trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận; đồng thời, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. 

Đến nay, toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu đã được đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, 3 khu đang triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; 44 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó có 41 cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất đã thu hồi tại các khu công nghiệp đạt 93,5% và tại các cụm công nghiệp đạt 68,3%. 

Cùng với đó, Thái Bình còn tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chung với diện tích tự nhiên 30.583ha. 

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Ngay sau khi Khu kinh tế Thái Bình được thành lập, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai và hoàn thành một số nhiệm vụ như quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế, xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế... Đến nay, đã có 18 nhà đầu tư được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tài trợ sản phẩm quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho 26 khu chức năng, 8 nhà đầu tư đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thực hiện thí điểm, 5 khu chức năng đã được phê duyệt phân khu. Mới đây, tỉnh đã tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái - khu công nghiệp đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình với tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất gần 589ha. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo dấu ấn quan trọng trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình nói riêng và thu hút đầu tư vào tỉnh nói chung bởi đây chính là khu công nghiệp có vị trí chiến lược kết nối tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Một trong những giải pháp quan trọng nữa, có ý nghĩa to lớn tạo động lực thu hút đầu tư và được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao ở Thái Bình trong thời gian qua đó là tỉnh đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong toàn bộ quá trình đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. 

Đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2019, đến nay, 100% sở, ngành của tỉnh với 100% số thủ tục hành chính đã được triển khai thực hiện theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Cùng với đó, Thái Bình còn triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; đầu tư quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn; lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; các chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình... 

Ngoài ra, tỉnh còn thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành tổ chức các hội nghị đối thoại trên cơ sở đó tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp; đôn đốc chủ đầu tư các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương hoàn thành việc xây dựng hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...

Một góc khu công nghiệp Tiền Hải. Ảnh: Khắc Duẩn

Rộng cửa đón nhà đầu tư

Không chỉ thực hiện các giải pháp tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thời gian qua, Thái Bình còn tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước với mong muốn thu hút ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư đến với tỉnh. Hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Thái Bình được UBND tỉnh, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức vào cuối tháng 11/2020 đã góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đối tác chiến lược giữa Nhật Bản với tỉnh Thái Bình nói riêng, Việt Nam nói chung; đồng thời, giúp cho Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từ đó đề ra chiến lược để hợp tác, đầu tư cùng phát triển. 

Ông Kajikawa Takami, trưởng xưởng nhà máy Yazaki (khu công nghiệp Sông Trà, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Năm 2012, Công ty đi vào vận hành nhà máy tại Thái Bình trên quy mô gần 60.000m2, chuyên sản xuất dây cáp điện thoại và bộ dây dẫn điện xe ô tô, tạo việc làm cho hơn 5.500 lao động ở địa phương. Trong quá trình đầu tư tại địa phương, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp; hạ tầng điện, nước, thông tin trong khu công nghiệp cũng rất thuận lợi.

Trải qua thời gian tiếp cận và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thái Bình, mới đây, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, ông Chijiiwa Teruyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH IRIS OHYAMA Nhật Bản Chi nhánh tại Việt Nam bày tỏ nguyện vọng được mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là tại tỉnh Thái Bình; mong muốn tỉnh tạo điều kiện với diện tích khoảng 10 - 15ha để đầu tư nhà máy sản xuất tủ lạnh, máy giặt và thiết bị đồ gia dụng, dự kiến tạo việc làm từ 500 - 800 lao động. Hay như tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cam kết sẽ cùng phối hợp với tỉnh tổ chức hội nghị kêu gọi doanh nghiệp lớn ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh; đồng thời, dành nguồn vốn thỏa đáng để đầu tư vào các dự án có hiệu quả tại tỉnh. Khẳng định tại các cuộc trao đổi, gặp gỡ các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đó, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng tỉnh Thái Bình sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp, cam kết tạo môi trường thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư không chỉ đối với doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa yên tâm sản xuất, kinh doanh lâu dài tại địa phương.

Mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái trong Khu kinh tế Thái Bình.

Bước sang năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế với nhiều thuận lợi, thách thức đan xen và nhất là dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Thái Bình sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, từ đó tạo đà đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Đến hết năm 2020:

  • Toàn tỉnh có 83 dự án được phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc được cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 43 dự án mới và 40 dự án điều chỉnh với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng;
  • Toàn tỉnh có 92 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 830 triệu USD; trong đó có 8 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 59 triệu USD;
  • Toàn tỉnh có 7.254 doanh nghiệp, 884 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 87.720 tỷ đồng; trong đó có 673 doanh nghiệp và 72 chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập mới với số vốn đăng ký trên 5.700 tỷ đồng;
  • Năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 52.511 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2019; trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 11.660 tỷ đồng, vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước ước đạt 37.708 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3.142 tỷ đồng.


Minh Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày