Chủ nhật, 24/11/2024, 10:20[GMT+7]

S&P Global hạ dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á

Thứ 5, 19/08/2021 | 15:24:50
2,415 lượt xem
Sáng 19/8, S&P Global Ratings công bố báo cáo mới nhất liên quan đến tăng trưởng khu vực Đông Nam Á trước diễn biến của làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta.

Một nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 tại Jakarta, Indonesia vào ngày 15/7. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global, tiêu dùng và dịch vụ sẽ là 2 lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất khi các nước ở Đông Nam Á đang tăng cường các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Thái Lan, Philippines, Myanmar và Việt Nam là 4 nước bị điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cho cả năm 2021, trung bình trong khoảng 0,9% - 2,3%.

S&P Global nhận định, việc các ngân hàng trung ương lớn như FED, ECB xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tác động trực tiếp tới dòng vốn đổ vào các nước ASEAN thời gian tới. Do vậy, các chính phủ tại khu vực cần duy trì chính sách tài khoản trong đó tập trung giải ngân đầu tư công để duy trì đà phục hồi kinh tế nội địa.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã hạ dự báo của khu vực ASEAN do lo ngại sự đứt gãy chuỗi cung ứng tại khu vực do vấn đề dịch bệnh.

Theo đó, ADB đã điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á từ 4,4% xuống còn 4% trong năm 2021 do các đợt bùng phát mới đang được ứng phó bằng các biện pháp ngăn chặn và hạn chế, gây thiệt hại tới hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, trong báo cáo cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới đưa ra ngày 27/7, IMF duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu 6% trong năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các nhóm nước giàu và đang phát triển. Trong đó, nhóm ASEAN-5 gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam bị hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 4,3%.

Theo IMF, các nền kinh tế trên toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mới, dễ lây lan, khiến các quốc gia phải áp đặt lệnh hạn chế di chuyển khiến hoạt động kinh tế bị trì trệ.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho rằng, sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao có thể cản trở quá trình phục hồi và khiến GDP toàn cầu thiệt hại 4.500 tỷ USD vào năm 2025.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày