Thứ 6, 22/11/2024, 06:16[GMT+7]

Thái Bình: Bứt phá trong thu hút đầu tư

Thứ 5, 02/09/2021 | 06:39:38
1,929 lượt xem
Từ thứ hạng 36 năm 2006 - thời điểm lần thứ hai thực hiện đánh giá và xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trải qua 14 năm, Thái Bình đã vươn lên vị trí 25 vào năm 2020.

Đến nay, Thái Bình đã thu hút được 92 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Innoflow Vina (cụm công nghiệp Đô Lương, huyện Đông Hưng). Ảnh: Khắc Duẩn

Đây là năm thứ tư liên tiếp tỉnh tăng thứ hạng PCI. Đóng góp vào kết quả đó phải kể đến hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020, từ đó tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh.

Tích cực triển khai

Ngay sau khi Nghị quyết số 01 được ban hành, việc học tập, quán triệt, triển khai và tuyên truyền được tổ chức thực hiện sâu rộng trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên đối với công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trên cơ sở Nghị quyết số 01, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thể chế hóa, đặc biệt là quy định của Tỉnh ủy về cơ chế giải trình trước cấp ủy, tổ chức đảng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và quy định của UBND tỉnh về trách nhiệm người đứng đầu, công chức, viên chức trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực, từ đó giúp từng cơ quan, đơn vị, cá nhân được phân công chủ trì chịu trách nhiệm về thực hiện các chỉ số thành phần của PCI nhận rõ được khuyết điểm, hạn chế để có các giải pháp nâng cao chất lượng các chỉ số trong những năm tiếp theo.

Ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, huyện Đông Hưng luôn chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt là những người đang thực thi công vụ hiểu được tầm quan trọng của Nghị quyết, từ đó tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tích cực tham gia đầu tư vào huyện. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Đông Hưng có 125 doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập; thu hút được 2 nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Đô Lương, cụm công nghiệp Đông La và 31 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, từ đó nâng tổng số dự án toàn huyện lên 110 dự án, tạo việc làm cho hơn 21.000 lao động.

Không chỉ triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01 cũng được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chú trọng thực hiện với 2 cuộc giám sát, 2 cuộc kiểm tra, 3 cuộc giám sát chuyên đề đối với 63 tổ chức đảng và 3 đảng viên; thông qua đó đã chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, khuyết điểm từ đó chỉ ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Cụ thể hóa bằng hành động thiết thực

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 01, trong công tác cải cách hành chính, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả các huyện, thành phố. UBND tỉnh ban hành khoảng 500 văn bản các loại trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn. Tỉnh cũng đã rà soát, đơn giản hóa gần 1.200 lượt thủ tục hành chính, cắt giảm tối thiểu 40% thời hạn giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của trung ương; tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 99%. Đến nay, tỉnh đã cập nhật hơn 1.500 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai tích hợp hơn 500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá rất cao bởi đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh.

Không chỉ chú trọng cải cách thủ tục hành chính, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, thời gian qua, tỉnh còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thu hút đầu tư như: cơ chế, chính sách hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; chính sách khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030... Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến công tác đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực; không ngừng nâng cao hiệu quả gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, từ đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 01, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện song song và lồng ghép với các nhiệm vụ chuyên môn khác, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 trong thời gian qua, đó là chỉ số PCI của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 ngày càng được cải thiện. Từ tổng điểm 57,72 và thứ hạng số 40 vào năm 2016, đến năm 2020 đã tăng 15 bậc, xếp thứ 25 với tổng điểm 64,02, tăng 6,3 điểm so với năm 2016 và xếp thứ 5/11 các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Một số chỉ tiêu thành phần của PCI có sự cải thiện đáng kể và gia tăng điểm số như: chi phí gia nhập thị trường (đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố), tính minh bạch (đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố), cạnh tranh bình đẳng (đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố). Cùng với đó, tỉnh cũng thu hút được nhiều dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư như: dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thaco - Thái Bình với tổng vốn đầu tư 2.132 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng; nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty TNHH Toyoda Gosei Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng; nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô của Công ty TNHH Yazaki Việt Nam với tổng vốn đầu tư 780 tỷ đồng...

Từ hiệu quả đó nên vừa qua, tại kỳ họp thứ 23, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 Thái Bình tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trên cơ sở có bổ sung nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu bổ sung các giải pháp về quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, giải pháp về nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư bảo đảm chuyên nghiệp, bài bản hơn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; bổ sung các giải pháp về nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ; quan tâm cải tiến khâu thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư, xét duyệt hồ sơ thu hút đầu tư và cần có tư duy, cách làm mới, phương pháp mới nhất là đối với những dự án lớn mang tầm chiến lược; bổ sung giải pháp tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, của các bộ, ngành trung ương, của Chính phủ nhằm quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình, tạo sự đột phá trong thời gian tới.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày